Tuy nhiên, do đồng vốn mỏng, khả năng tự xoay sở để dự trữ hàng bán tết của tiểu thương là rất thấp,… Thế nhưng từ nhiều năm qua, hàng trăm tiểu thương ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã trút được nỗi lo này nhờ cách làm sáng tạo của Ban quản lý (BQL) chợ.

Nhu cầu vốn tăng 

Theo phản ánh của nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ở chợ TP.Cao Lãnh cho biết, thông thường nhu cầu vốn tháng cận tết cao gấp 3 lần tháng thường. Bởi để đủ cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng trong 3 ngày tết, các tiểu thương cần chuẩn bị nguồn hàng tăng gấp đôi, gấp ba. Đối với tiểu thương bán hàng tạp hóa số vốn cần trên dưới 100 triệu đồng, còn ngành hàng quần áo may sẵn cần từ 150-200 triệu đồng; thực phẩm tươi sống từ 30-50 triệu đồng. Đặc biệt, vào dịp tết, nhiều mặt hàng thiết yếu như như: Đường, sữa, rượu, bia có biến động lớn về giá, cộng với các đầu mối ở TPHCM giảm lượng hàng bán gối đầu so với ngày thường, càng làm cho nhu cầu đồng vốn thêm căng thẳng. Điều này cũng đồng nghĩa, có không ít tiểu thương phải trông đợi vào nguồn vay bên ngoài.

Thế nhưng trên thực tế vào dịp cuối năm, cánh cửa vay vốn đang ngày càng khép chặt khi cùng lúc cả nguồn vay nóng và nguồn vay từ các ngân hàng thương mại được tăng cường kiểm soát, hạn chế…

Mua bán tại chợ TP.Cao Lãnh.

Chiếc phao nghĩa tình

Giữa lúc nhiều tiểu thương tưởng chừng như chết đuối thì đột nhiên xuất hiện chiếc phao… Thấu hiểu được khó khăn của tiểu thương, BQL chợ TP.Cao Lãnh phối hợp cùng với các đoàn thể địa phương, Ngân hàng Sacombank tạo điều kiện cho tiểu thương tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp với lãi suất ưu đãi. Mỗi hộ được xét cho vay từ 15-50 triệu đồng. Tiêu chuẩn vay dựa vào tình hình mua bán thực tế, số sạp hàng hóa, khả năng trả nợ… Với hình thức này đã giúp cho hơn 200 tiểu thương chợ TP.Cao Lãnh được xét vay.

Là một trong những hộ nhiều năm liền được xét vay, chủ tiệm quần áo may sẵn Ngân Tiền nói: “Tôi làm đơn xin vay và được BQL chợ bảo lãnh, xét cho vay ưu đãi. Nhờ vậy, không cần phải vay nóng bên ngoài. Hình thức trả nợ phù hợp với nhu cầu mua bán thực tế”. Với số tiền vay 50 triệu đồng, mỗi ngày tiểu thương để dành 450.000 đồng để trả lãi, vốn trong vòng 4 tháng – cách làm này giúp tiểu thương dễ cân đối được nguồn thu chi, thuận tiện cho việc kinh doanh.

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt – Phó Trưởng BQL chợ TP.Cao Lãnh – cho biết, trong tháng 1.2012, BQL chợ sẽ tiếp tục phối hợp với ngân hàng giải ngân đợt 1 cho 150 tiểu thương. Điều này cũng đồng nghĩa, sẽ có thêm nhiều tiểu thương bớt nỗi lo trước áp lực về vốn, hạn chế vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, để trữ hàng bán tết…

Đây là cách làm hay, cần sớm được đúc kết để nhân rộng.

Thanh Bách