Càng đẹp càng nguy hiểm
Chị Phương Linh (ở cầu Giấy, Hà Nội) có một sở thích “sưu tầm” son môi. Vì thế thường xuyên ghé qua các cửa hàng mỹ phẩm để mua hàng, vẫn biết rằng, nhiều loại son môi của các hãng không uy tín có thể có hại cho sức khỏe nhưng vì dùng nhiều năm không thấy hậu quả gì nên chị Linh cũng không cảm thấy lo lắng quá. Thế nhưng, mới tuần trước, chị thấy da vùng môi có biểu hiện bong tróc, mẩn ngứa, môi sưng phồng… Đến khi đi khám da liễu chị mới biết bị viêm da vùng môi do nhiễm độc chì.
Chị Hoa, 29 tuổi, quê ở Đà Nẵng, có thói quen sử dụng son môi mỗi khi ra khỏi nhà. Hàng ngày, chị thoa từ 3 đến 4 lần son môi, cứ sau mỗi bữa ăn son trôi đi, chị lại thoa một lớp mới. Khi mua son, chị chỉ quan trọng màu sắc yêu thích không quan tâm sản phẩm của hãng nào, bán ở đâu. “Không có nhiều tiền nên tôi mua son khoảng 80 nghìn đồng ở chợ gần nhà. Thực sự tôi không biết chất lượng son như thế nào”, bà mẹ trẻ cho biết. Sau khi được bác sĩ thăm khám, kê toa thuốc uống và bôi, đồng thời ngưng sử dụng son, tình trạng của chị Hoa đã cải thiện. Đến nay làn da môi đã mềm mại và không còn vết nứt nẻ. Các bác sĩ cho rằng chị Hoa bị kích ứng với chì có trong son môi rẻ tiền, không rõ nguồn gốc.
Theo thống kê, mỗi ngày có hàng triệu phụ nữ sử dụng son môi có thể chứa chì, có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe. Son môi nhiễm chì là một chất độc cho thần kinh và có thể gây nguy hiểm ngay cả ở liều lượng nhỏ. Không phải tất cả son môi đều chứa chì nhưng một số nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy kim loại này phổ biến hơn nhiều so với trước đây.
Hậu quả của việc sử dụng son môi không rõ nguồn gốc
Năm 2007, một chiến dịch “nụ hôn chết người” về an toàn mỹ phẩm đã được tiến hành nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 61% của 33 son môi được thử nghiệm có mức độ chì khác nhau từ 0,03 ppm đến 0,65 ppm. Các chuyên gia y tế nói rằng điều đó không đạt mức độ an toàn của chì trong máu. Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA cho biết đây là mộ tỷ lệ chì không an toàn. Với nhiều son môi giá rẻ, lượng chì trong đó sẽ được tiêu hóa và hấp thụ qua da, làm tăng tỷ lệ nguy hiểm cho người sử dụng. Năm 2010, FDA đã tiến hành thử nghiệm riêng với kết quả khác nhau 0,9 – 3,06 ppm trong 400 son môi thử nghiệm, cao gấp bốn lần so với kết quả năm 2007.
Vấn đề là khi người phụ nữ sử dụng thỏi son từ 2 đến 14 lần/ ngày thì theo nghiên cứu của Đại học California, họ đang ăn và hấp thụ thông qua đôi môi nhiều hơn 87 mg son/ngày. Phụ nữ không chỉ sử dụng son của họ nhiều lần trong ngày mà còn sử dụng trong toàn bộ cuộc đời. Điều này đồng nghĩa họ tiếp xúc liên tục với chì và các kim loại độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Một thách thức cho những người muốn tránh tiếp xúc với kim loại độc hại, ngoại trừ nhôm, được nhà sản xuất chủ động cho vào với son môi và son nhũ. Các kim loại là các chất gây biến đổi sắc tố và vật liệu cơ bản được sử dụng để sản xuất. Bởi vì các kim loại không phải là thành phần, các công ty mỹ phẩm không cần phải liệt kê chúng trên thành phần nhãn sản phẩm.
Viêm da, mẩn ngứa từ son môi
Đôi môi là một trong những vị trí nhạy cảm nhất nhì trên cơ thể phụ nữ bởi tập trung rất nhiều đầu mút thần kinh xúc giác. Việc tô son môi quá tham, quá thường xuyên sẽ vô tình tạo ra lớp màn chắn tước mất cơ hội “thực hành” của các đầu mút thần kinh. Lâu ngày, thiếu điều kiện “văn ôn, võ luyện”, những dây thần kinh này sẽ mất dần sự tinh nhạy, dẫn đến cùn mòn cảm giác. Đây có thể là một “thiệt thòi” lớn cho các bạn gái khi nụ hôn ngọt ngào hóa ra nhạt như nước ốc.
Son môi cũng có thể gây một số ảnh hưởng xấu khác cho sức khỏe. Loại mỹ phẩm này có các thành phần chính là chất dầu, sáp ong, phẩm màu và một số chất bảo quản khác. Trong đó, phẩm màu là “át chủ bài” tạo vẻ đẹp cho nụ cười, nhưng cũng là kẻ có tiềm năng gây rắc rối cho cơ thể bạn.
Thông thường, người ta dùng một loại axít đặc biệt (còn gọi là axít đỏ) để nhuộm màu nhưng đây lại là loại sắc tố không nên có mặt thường xuyên trong cơ thể (độc cho gan, thận). Lanolin cũng là thành phần quan trọng thường có trong son môi. Nhiều nghiên cứu cho biết chúng có thể ngấm qua da và có tính năng như một máy hút bụi, tham lam vơ về mình đủ thứ bụi bặm, phân tử rắn (kim loại, silic…), nấm, sinh vật dày đặc trong không khí.
 Ảnh minh hoạ
Tai hại ở chỗ, con đường từ môi vào miệng ngắn “tày gang” nên khi bạn nói, ăn, uống, hay… liếm môi thì những kẻ không mời mà đến kia chẳng ngại gì mà không tìm lối lọt vào khoang miệng. Nếu đó là những chất gây dị ứng hay vi khuẩn gây bệnh thì khoang miệng là kẻ chịu trận đầu tiên (bỏng rộp, ngứa ngáy, nứt nẻ, viêm tấy, bưng mủ…). Chưa hết, khi những chất độc tiếp tục “quá giang” theo nước bọt chu du xa hơn thì đến lượt dạ dày, tuần hoàn, gan, thận… mang vạ.
Vài loại son môi có khả năng gia tăng hiện tượng nhạy cảm ánh sáng (bắt nắng), gây sạm da môi. Do vậy, các tan “môi trầm” Hàn Quốc có lẽ cũng nên nhớ lại một nguyên lý đơn giản là vật có màu càng sậm thì càng dễ bắt nắng, bắt nhiệt. Đôi môi thiếu nữ sẽ buồn tẻ biết bao nếu không cho chúng thêm một ít sắc màu. Nhưng có lẽ hoàn toàn không nên xem đôi cánh hồng này như một bức phông vẽ vô tri, vô giác để tha hồ tô màu mà quên mất sự an nguy của chính da thịt mình.
Tác hại đối với sức khỏe
ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu, đại học Y dược TPHCM cho biết, không thể phủ định sự xuất hiện thường xuyên của chất chì trong mỹ phẩm. Với son môi, chì như một yếu tố vi lượng, giúp mỹ phẩm bền màu và lâu phai. Tuy nhiên, lượng chì trong sản phẩm thường ở liều lượng rất thấp (vài phần triệu). Nếu vượt quá mức trên, độc tố trong chì sẽ gây hại cho sức khoẻ người sử dụng. Thông thường, các nhà sản xuất cỏ uy tín sẽ kiểm định một cách nghiêm ngặt lượng chì trong mỹ phẩm trước khi bán ra thị trường. Các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ luôn có những tổ chức thẩm định chất lượng mỹ phẩm (không phải tổ chức FDA).
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Kim Lộc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nang cho biết thời gian qua nơi đây tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề viêm da, mẩn ngứa, kích ứng có liên quan đến thói quen sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt là son môi. Nguy cơ nhiễm độc hóa chất, nhất là nhiễm độc chì, từ son môi rất cao. Hóa chất độc hại có trong son môi, kể cả son dưỡng, đặc biệt là hàng nhái, kém chất lượng, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da, mẩn ngứa, dị ứng, kích ứng… ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Tình trạng sâu răng ở những người sử dụng các loại son dưỡng môi có chứa dầu cứng (một chất làm phê tích men răng) ngày càng gia tăng. Trong son dưỡng kém chất lượng, hàm lượng chất này thường cao hơn gấp nhiều lần. “Sử dụng thường xuyên với hàm lượng lớn, chất paraffin có trong son sẽ dính vào bề mặt răng, gắn kết và tạo điều kiện cho vi khuẩn truyền nhiễm phát triển, tạo nên các vết nứt nhỏ trong men răng dẫn đến sâu răng”, bác sĩ giải thích. Ít người biết trong thành phần của nhiều loại son có chứa chì – kim loại độc có thể gây ngộ độc và cả những rối loạn về ngôn ngữ, hành vi và trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy chì là một chất độc thần kinh và có thể nguy hiểm ngay cả với liều lượng rất nhỏ.
Không phải tất cả son môi đều chứa chì, song nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra kim loại độc hại này có mặt trong son môi nhiều hơn mức mọi người thường nghĩ, làm tăng độ bám dính. Son càng nhiều chì thì càng bám dính lâu. Theo bác sĩ Lộc, kim loại chì sử dụng trong son môi dù với một lượng rất nhỏ sẽ dễ dàng đi vào cơ thể khi được nuốt vào hay hấp thu qua da môi.
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, chì không phải là kim loại độc hại duy nhất mà nhiều người đang tự tay thoa lên môi của mình mà còn rất nhiều độc chất khác trong son môi. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học California thử nghiệm 8 loại son môi và 24 loại kem làm bóng môi. Kết quả phát hiện 9 kim loại độc hại, bao gồm crôm, cadimi, nhôm, mănggan và chì.
Các nhà sản xuất son môi cho rằng hàm lượng chì trong son là rất nhỏ nên không nguy hại, nhưng thực ra họ đang phớt lờ thực tế là những người sử dụng son môi thường xuyên sẽ tích lũy độc chất trong một thời gian dài. Nếu chỉ sử dụng son môi một lần trong ngày thì không có gì nguy hại, và tin tốt lành là không phải loại son môi nào cũng chứa chì. Tuy nhiên, nếu dùng son môi từ 2 đến 14 lần mỗi ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ước tính, trung bình mỗi ngày phụ nữ thoa son đã nuốt vào 84 mg son.

Bí quyết chọn son môi
Hiện nay, các loại son lì có cảm giác khô, không còn là mốt, thay vào đó, các loại son bóng đang được ưa chuộng. Xu hướng trang điểm môi trong năm nay là sự kết hợp giữa màu sơn móng tay cùng những garri màu trung tính cho mắt. ví dụ: đỏ san hô phối hợp màu vàng đồng hay hồng thẫm, nếu đi cùng với màu phấn mắt ánh tím lấp lánh, sẽ mang đến cho bạn sự huyền bí.
Chọn màu son phù hợp với độ tuổi cũng rất quan trọng. Với các bạn tuổi teen, có thể chọn những gam màu sáng, có độ bóng cao như hồng da sáng hay dâu tươi, cam hồng… Trên 30 tuổi, bạn nên chọn những gam màu đỏ mận, nâu gỗ, nâu đồng, đỏ rượu, để làm tăng sự sang trọng và quyến rũ.
Để thay đổi phong cách trang điểm, bạn chỉ cần thay đổi màu son từ sáng sang sậm hay ngược lại.
Bạn nên thường xuyên dùng sáp hoặc son dưỡng môi có thành phần chống nắng 5 hay 10 phút trước khi thoa son nhằm duy trì độ ẩm cần thiết cho môi. Nên sử dụng cọ thoa son để màu son được đều và bóng.
Bạn không nên sử dụng quá nhiều loại son bền màu như son không phai, vì trong các loại son này thường có các thành phần giữ màu dễ gây tình trạng thâm và khô môi khi sử dụng lâu dài.
Ngoài ra, khi chọn son, bạn nên lưu ý chọn loại có thương hiệu uy tín. Bởi các loại mỹ phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến da vùng môi và có thể gây khô môi, hoặc gây dị ứng.
Theo Linh San/ Pháp luật & Xã hội