Trong trào lưu nghệ sĩ kinh doanh đang nở rộ ở TP.HCM, siêu mẫu Vũ Thu Phương cũng vừa khai trương quán cà phê… không mang nghệ danh của mình mà có cái tên giản dị là An. Cô tâm sự về “sự nghiệp” bán quán cà phê của mình sau khi đã kinh qua nghề bán thời trang cao cấp:

Kinh doanh loại hình hàng quán ồn ào, nhưng Vũ Thu Phương lại cầu một chữ “An”. Ảnh: Phùng Thục Anh

Dù đã có ý tưởng mở quán cà phê từ lâu, nhưng tên quán thì tôi tìm mãi không ra vì tâm niệm cái tên phải thể hiện chất nghệ sĩ của mình. Trong nghệ thuật, tôi đã thành công ít nhiều, nhưng càng thành công tôi càng thấy mình cô độc và bất an. Cuối cùng tôi thấy chữ An là phù hợp nhất. Chữ An tôi đặt ngay trước quán. Tâm mình phải thanh thản, chứ cạnh tranh quá chưa chắc an lành.

Nằm ở mặt tiền đường đắt đỏ, nhiều người “nghi ngờ” chắc Vũ Thu Phương dùng tiền của gia đình để đầu tư chứ chẳng giỏi giang gì. Thật ra, lúc đầu, tôi chỉ tích cóp được 30 triệu đồng, nhưng đã có ý tưởng kinh doanh rồi nên cứ thế mà dành dụm tiếp. Tiền đi diễn thời trang để dành lại, tiền mượn người thân, cha mẹ, tiền cát xê đóng phim Cô nàng bất đắc dĩ, Giao lộ định mệnh…

Thật hạnh phúc khi thành quả có được do chính bàn tay mình tạo nên, như quán cà phê này tất cả đều do một mình tôi lo tất cả.

Kinh doanh quán cà phê như lượm bạc cắc. Cũng vui nhưng khá vất vả. Mở cửa hàng thời trang thì chỉ cần có mẫu là bán, tiền lãi đôi lúc rất nhiều. Nhưng so với niềm vui… đếm tiền lãi, thì niềm vui gặp khán giả bình an, vui vẻ hơn nhiều.

Điều quan trọng nhất trong kinh doanh theo quan điểm của tôi, đó là thương hiệu. Tuy nhiên, gây dựng được thương hiệu rất khó khăn, đòi hỏi một quá trình dài với nhiều yếu tố uy tín, chất lượng, sự tận tình trong chăm sóc khách hàng…

Tôi đã từng thất bại… triền miên trong kinh doanh. Nhớ lần mở cửa hàng thời trang ở con đường thời trang Nguyễn Trãi, dính sự cố liên quan đến mặt bằng, chủ nhà thay đổi, phá vỡ cả hợp đồng, khiến tôi hụt vốn trầm trọng. Khi đó tưởng chừng đã tiêu tan “sự nghiệp kinh doanh” nếu không có quyết định táo bạo vào phút chót để kịp hồi phục dần.

 “Mẹ tôi vui lắm, khi nhìn thấy sự trưởng thành của con gái”. Ảnh: Phùng Thục Anh

Thế nên, trong quá trình “hành nghề”, kinh nghiệm và kiến thức là hai thứ tôi phải tích lũy liên tục, bởi nó giúp mình luôn tự tin trong công việc lẫn đời sống. Mỗi tuần, tôi luôn cố gắng cung cấp món mới trong thực đơn. Sắp tới đây, tôi phải cầu viện “nhân tài” từ miền Bắc để chi viện bổ sung các món đặc sản như bún chả Hà Nội, bún đậu mắm tôm, bún riêu…

Kinh doanh cũng như làm nghệ thuật, đòi hỏi sự đam mê. Phải biết dung hòa sự ngẫu hứng của tính cách nghệ sĩ và sự chính xác trong kinh tế thì mới mong đạt thành công. Tôi rất nóng tính nhưng cũng rất tình cảm, nên giận rồi cũng dễ quên đi. Không biết đây có phải là chất nghệ sĩ không? Nhưng được một điều, biết chủ quán là nghệ sĩ nên khách đến khá đông. Hy vọng họ… mãi yêu thích cô chủ quán này.

Khách nghệ sĩ và khách bình thường được tiếp đãi như thế nào ở An?

– Nghệ sĩ được ưu tiên vì là những người quen biết nhau trong giới làm nghề. Nhưng fan còn quan trọng hơn nhiều, vì người hâm mộ chiếm đến đến 80% lượng khách của quán đấy. Tôi kinh doanh thời trang cao cấp, khán giả ít đến hơn, còn với quán cà phê này thì người hâm mộ đến rất thường xuyên. Fan của tôi rất dễ thương, đến quán chỉ cần được trò chuyện dăm ba câu, hoặc chụp tấm hình kỷ niệm.
 
Cà phê An có… đặc sản không?

– Dĩ nhiên đặc sản là món… cà phê rồi. Kế đến là món rau câu dừa do tự tay người mẫu Vũ Thu Phương chế biến. Món này nhiều khách thích lắm nhé.

Đến quán, thực khách thỉnh thoảng gặp mẹ của chị…

– Từ thâm tâm, tôi mở quán như một món quà muốn dành tặng mẹ. Tôi thấy mẹ vui lắm, khi nhìn thấy sự trưởng thành của con gái.

Theo Phùng Thục Anh (VNN)


Video đang được xem nhiều