Không có một bằng chứng hay thống kê chính thức nào đảm bảo khối lượng đó chỉ là hậu quả của NĐT cá nhân “chạy loạn”.

 

“Công ty đấy…”

 

Theo hợp đồng cầm cố, thông thường khi giá CK giảm khiến tổng tài sản đảm bảo suy giảm đến một mức nào đó, NĐT sẽ phải bù đắp bằng tiền hoặc CK để cân đối. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến áp lực bán tăng quá mạnh thời gian qua và trong những giải pháp vực dậy thị trường được đưa ra, thỏa thuận dừng giải chấp, khoanh nợ được nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc giám sát và công bố thông tin về cam kết này lại không đi đến đâu và những thông tin từ chính các CTCK cũng cho biết, NH vẫn buộc phải thu hồi nợ.

 

Theo nhân viên môi giới của một CTCK “con ruột” của một NH cho biết, thực tế áp lực giải chấp đang rất lớn. NH đang “lo sốt vó” với đống “của nợ” mà NĐT đã bỏ của chạy lấy người.

 

Mặc dù có những cam kết ngừng giải chấp, những lời hứa tạm hoãn thanh lý hợp đồng cầm cố nhưng thực tế đối với những NĐT đã chấp nhận “xù nợ” thì NH không thể không bán.

 

Nếu NĐT đó còn có tài sản khác trong tài khoản (ví dụ tiền hay CP loại khác) thì NH còn có thể gây sức ép nhất định, còn nếu NĐT cũng trong tình trạng “khánh kiệt” thì NH cũng chỉ còn nước tự lo cho mình, tránh lúc “được vạ thì má sưng”.

 

Đặc biệt khi thị trường lao dốc quá sâu, các khoản vay được đảm bảo bằng CP niêm yết có nguy cơ giảm xuống dưới cả giá cho vay. Điều đó đồng nghĩa với khả năng NH sẽ lỗ nặng.

 

“Các lệnh giải chấp được yêu cầu xếp vào hệ thống trước tiên, thậm chí không cần đặt lại. Nếu hôm nay chưa bán được thì xếp hàng mai bán tiếp, đến lúc bán được thì thôi”.

 

Theo thông tin này, thực tế lượng bán sàn ồ ạt được nạp vào cực sớm chỉ một phần là của NĐT cá nhân tháo chạy, còn lại đa số là bán tháo do CTCK đặt.

 

“Các sàn đều vắng ngắt, lấy đâu ra người bán nhiều như vậy? NĐT cá nhân bán cả chục phiên liên tục không được là mất kiên nhẫn, không thèm bán nữa vì biết có tranh cũng không kịp trong điều kiện thanh khoản kém như vậy”, ý kiến này cho biết.

 

Thông tin từ CTCK S. thì cho rằng, thực tế áp lực giải chấp cũng tùy từng Cty. Ví dụ Cty của anh thực hiện cầm cố CP niêm yết và repo OTC có lựa chọn và khá giới hạn với những khách hàng lâu năm, khách hàng VIP có năng lực vốn nên đủ khả năng trả nợ hoặc bù đắp tài sản đảm bảo.

 

Tuy nhiên, cũng có các CTCK, nhất là một vài CTCK mới hoạt động, thừa vốn đã mở rộng cầm cố khá thoải mái nên đây là lúc cực kỳ khó khăn do không thu lại vốn được. Những Cty này thường chấp nhận giá cầm cố cao vì được hưởng lãi suất cao. Lúc này NĐT mất khả năng trả nợ, thậm chí bỏ mặc Cty với đống CP thế chấp và Cty đang “vỡ nợ” đến nơi.

 

Chung tay… cách nào?

 

Thực tế tính thanh khoản kém đang khiến nhiều NH lo ngại vì không thanh toán được các hợp đồng cầm cố. Giá càng giảm thì nguy cơ lỗ càng lớn. Vòng xoáy giá giảm – áp lực bán tăng cứ quay vòng làm mất cân đối cung cầu. Đây sẽ là trở ngại lớn nhất cho bất kỳ nỗ lực phục hồi nào, vì chỉ cần có một cơ hội là hoạt động giải chấp sẽ chớp lấy ngay lập tức.

 

Điều khác biệt trong tương quan cung cầu này là không có vấn đề tâm lý: Thanh toán hàng cầm cố để thu hồi nợ là ý chí của NH. Điều này rất khác với hoạt động cắt lỗ hoặc bán chủ động của NĐT, vốn có thể tự cân bằng bằng “lòng tham” của người cầm tiền.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính (Vafi), đây là lúc cộng đồng đầu tư nên chung tay khôi phục thị trường, không nên sống với tâm lý trông chờ Nhà nước. Dĩ nhiên thị trường giảm thì có lợi cho người cầm tiền nhưng cũng nên nhìn nhận dài hơn vì sự phát triển chung. Nếu thị trường đóng băng hoặc suy thoái kéo dài thì người cầm tiền cũng mất cơ hội. Vafi ngày 21/5 đã có văn bản đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến biện pháp hóa giải áp lực giải chấp của NH.

 

“Thực tế có nhiều NĐT tuy không muốn bù đắp phần thiếu hụt tài sản đảm bảo nhưng vẫn có khả năng trả lãi hàng tháng. Tuy nhiên họ vẫn bị NH và CTCK ép bán ra. NH nên tiếp tục cho vay nợ với những trường hợp này. Thị trường vừa qua suy giảm liên tục vì nguồn cung giải chấp được bán ra không có tổ chức”, ông Hải nhận xét.

 

Với trường hợp NĐT không có khả năng thanh toán các khoản lãi đến hạn, Vafi đề nghị cho phép NH chuyển các khoản nợ trên thành khoản đầu tư CP vì dư nợ cho vay này cũng không lớn. Danh mục cho phép cầm cố đã được NH thẩm định kỹ càng và số được cầm cố nhiều nhất lại là nhóm blue-chips. Đây là những Cty vẫn làm ăn bình thường, hoạt động hiệu quả. Việc chuyển nợ thành khoản đầu tư sẽ mang lại giá trị lớn hơn nhiều giá trị cầm cố trong tương lai.

 

“HiệnNH cố gắng giải chấp cũng không được vì tính thanh khoản quá kém. Đã bán không được mà vẫn cố sức bán thì chỉ làm hại mình và làm hại thị trường. Nếu các CTCK, NH đồng lòng ngừng bán giải chấp, chắc chắn thị trường sẽ phục hồi”, ông Hải nói.