Sau khi báo Tuổi trẻ phản ánh trường hợp bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) có khoản tiền gửi 270 đồng (tương đương gần 2 chỉ vàng thời điểm gửi) tại Quỹ Tiết kiệm Xã hội chủ nghĩa thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 1983. Đây là sổ tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng.

Qua 30 năm với nhiều thay đổi, khoản tiền gửi trên được xác định tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh 7. Tuy nhiên, sau nhiều phép quy đổi, tính toán, ở lần xử lý thứ nhất, VietinBank đã xác định số tiền tiết kiệm của bà Thủy hiện bằng 0, do số tiền gửi thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định, nên khoản tiền trong sổ bị trừ dần đến hết.

Trước tình cảnh này, không cách nào khác bà Thủy đành nhận số tiền 4.385 đồng mà ngân hàng trả. Trong khi đó, bà Thủy từng chia sẻ: “Số tiền này tương đương 5 tháng lương của một công chức và đáng giá tiền sinh hoạt nhiều tháng của một gia đình đông người”.
Ai đã từng sống và làm việc ở khoảng thời gian này mới có thể hiểu được giá trị của những đồng tiền này.

 Một phần bảng tính lãi và vốn gốc cho sổ tiết kiệm của bà Thủy. Ảnh: Vnexpress
Đồng cảm với sự mất mát mà bà Thủy phải chịu, nhiều độc giả đã bày tỏ sự bất bình với trường hợp này trên các trang cá nhân. Bức xúc sau khi đọc bài báo, anh Ngọc chia sẻ trên trang Facebook của mình
“Có một câu hỏi đặt ra là nếu vào lúc đó chúng ta nợ ngân hàng 1.000 đồng thì đến giờ, mình đảm bảo là họ sẽ đòi bạn 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) bởi vì căn cứ theo các lần đổi tiền, và lãi suất thực tế… Nói tóm lại, ngân hàng nói gì cũng đúng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là không nên gửi lòng tin vào ngân hàng Việt, vậy thôi!”.

Cùng quan điểm, một bạn đọc có nick name Pham Thi Yumi bày tỏ suy nghĩ: “Nếu biết trước được như thế này chắc bà Thủy đã mua 2 chỉ vàng đeo, sau 30 năm mòn đi 1 chỉ, còn 1 chỉ bán cũng được khoảng 2 triệu hơn. Còn hơn tốn thời gian, xăng và bị ôm cục tức vào người. Chả trách sao người Việt Nam thích trữ vàng là vậy”.

Bên cạnh đó, có không ít ý kiến không đồng tính cách quy đổi như đa số các ý kiến bênh vực bà Thúy: “Buồn cười cái cách quy giá trị ra vàng để so sánh. Gửi tiền năm 1983. Đến năm 1985, lạm phát nên Nhà nước đã đổi tiền mất rồi. Nếu rút thời điểm đó liệu có giá trị chỉ vàng như bài báo viết không vậy? Lý do gì người ta không rút tiền mà để hơn 30 năm?”. Độc giả Huỳnh Phúc Châu đưa ra những mâu thuẩn trong vấn dề này.

Độc giả Đức Hiếu cho rằng trách nhiệm một phần cũng do chủ sổ tiết kiệm không nắm bắt tình hình ở ngân hàng dẫn đến tình trạng trên: “Tại sao phải chờ đến 30 năm sau mới đi rút? Gửi mà không nhớ, cũng có nghĩa không có trách nhiệm với việc mình làm, thế bắt ngân hàng phải làm gì khi trong 30 năm đó qua nhiều lần thay đổi, ngân hàng không thể giải quyết được cho tất cả mọi người… Trách nhiệm không chỉ ở ngân hàng”.

Đa số ý kiến đều cho rằng, ngân hàng xử lý không sai. Tuy nhiên, cách trả lại sòng phẳng số tiền tương đương 2 chỉ vàng xưa bằng khoản tiền mặt chỉ đủ mua một mớ rau, khiến không ít người cảm thấy chua xót. Một góc ý kiến được độc giả Quốc Phong chia sẻ trên trang VNE cũng là lời nhắn nhủ được hầu hết các độc giả ủng hộ cho cách ứng xử của ngân hàng đối với khách hàng của mình: 
“Một khoản “tri ân” thiết thực sẽ không làm hao hụt quá nhiều nguồn kinh phí mà các ngân hàng đang dành cho các chiến dịch khuyến mãi rầm rộ hiện nay. Đôi khi giá trị đem lại không thể đánh giá chỉ bởi những con số lên xuống tức thời, nhất là khi niềm tin của người dân vào các chính sách, theo tôi, còn mong manh”.

Hy vọng qua câu chuyện này, cả ngân hàng lẫn người gửi tiền đều rút ra bài học kinh nghiệm về cách quản lý, ứng xử cũng như cách đầu tư hợp lý cho tài sản của mình.

Tổng hợp