Cùng tìm hiểu Khởi nghiệp thương hiệu sôcôla triệu đô ngay tại Việt Nam, chi tiết bài viết:
Khi đi vào hoạt động cách đây 3 năm, doanh thu của Marou đạt 120.000 USD. Công ty dự kiến đạt 1 triệu USD trong năm nay, với chỉ 20 nhân viên.
4 năm trước, Sam Maruta, 41 tuổi và Vincent Mourou, 43 tuổi đã bỏ việc trong ngành ngân hàng và quảng cáo để thành lập Marou Faiseurs de Chocolat – một công ty chuyên về sôcôla single-origin có trụ sở tại TPHCM (Single-origin là loại sôcôla được sản xuất 100% từ hạt cacao thu hoạch trên một nông trại hoặc một vùng đất nhất định).
Lúc đó, tham vọng của Sam Maruta và Vincent Mourou là tạo nên loại sôcôla bean-to-bar đầu tiên tại Việt Nam (Bean-to-bar là loại sôcôla được cùng một nhà sản xuất thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt cacao đến khi xuất xưởng thanh sôcôla).
Vincent Mourou (trái) và Sam Maruta (phải) đang xem xét các quả cacao – Ảnh: Japan Times |
Và 4 năm sau khi thành lập công ty, họ đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên bằng những thanh sôcôla chất lượng không thua kém các tên tuổi của Châu Âu, đặt tên Việt Nam vào bản đồ sôcôla thế giới.
Marou đặt tên 5 loại thanh sôcôla của hãng từ 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bến Tre. Năm 2013, sôcôla Tiền Giang 70% của Marou đã giành huy chương Bạc ở hạng mục “loại sôcôla đen bean-to-bar ngon nhất” của Viện Hàn lâm Sôcôla (Academy of Chocolate) tại Anh, còn sôcôla Bến Tre 78% cũng của họ thì được huy chương Đồng.
Làm sôcôla từ hạt cacao Việt
“Ý tưởng của chúng tôi khá thú vị”, Maruta nói. “Nó không chỉ đơn thuần là làm sôcôla, mà phải là làm ra những thanh sôcôla từ những hạt cacao của Việt Nam”.
Từ tháng 2/2011, Maruta và Mourou đã thử làm sôcôla từ hạt cacao mua từ một nông trại ven đường.
“Chúng tôi đã mua một vài kg hạt cacao và quyết định thử làm sôcôla từ những hạt này. Lúc đó, chúng tôi không biết cách làm ra sôcôla và dĩ nhiên cũng chẳng biết sôcôla ngon và dở khác nhau chỗ nào. Những gì chúng tôi có được lúc đó là một ngôi nhà với máy xay và một chiếc lò nướng tại TPHCM”, ông kể lại.
Chiếc máy xay hạt cacao của Marou – Ảnh: plur.is |
Jonathon Waugh, một người bạn đồng thời cũng là nhà đầu tư cho biết: “Sam đã kể với tôi về một khu chợ dành cho các sản phẩm thủ công cao cấp. Anh ta sẽ bán hàng ở đó và hỏi liệu tôi có muốn đầu tư không”. “Tôi đã trả lời rằng, hãy để tôi thử sôcôla của anh trước đã”.
Waugh nhớ lại lần đầu tiên đi vào nhà bếp của Sam và thử sôcôla. “Cảm giác của tôi lúc đó là nó không tệ chút nào”.
Waugh, 45 tuổi, người Anh, cựu giám đốc quỹ đầu tư với hơn 20 năm kinh nghiệm lận lưng, đã đi đến quyết định: “Được rồi, tôi sẽ tham gia!”.
“Tôi đầu tư vào Marou mà không hề có bất kỳ nghiên cứu khả thi nào, cũng chẳng có kế hoạch kinh doanh gì cả”, Waugh chia sẻ khi nhìn lại khoản đầu tư của mình sau 4 năm. “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Sam. Có nhiều lý do đem lại thành công cho Marou, nhưng Sam vẫn là nhân tố chính. Sam không nhận ra rằng chính anh ấy mới thực sự là một nhà kinh doanh lớn. Một trong những điều thú vị nhất là được nghe Sam kể về niềm đam mê của anh ấy”.
Waugh đến Việt Nam năm 1996 và sau đó trở thành người đồng sáng lập công ty quản lý quỹ PXP Asset Management. Trước khi tham gia đầu tư vào Marou, ông đã đầu tư vào một nhà máy may, một công ty du lịch và tham gia khởi nghiệp trong ngành tài chính vi mô.
“Trong tất cả các khoản đầu tư của tôi, Marou là khoản đầu tư mang lại nhiều ngạc nhiên và hài lòng nhất”, Waugh nói. “Đáng ngạc nhiên ở chỗ, công ty đã vượt hơn cả những gì chúng tôi mong đợi. Đáng hài lòng ở chỗ, đây là công ty đầu tiên tại Việt Nam, hoặc ít nhất cũng là trong lĩnh vực thực phẩm – đồ uống, đã có sản phẩm được công nhận là thương hiệu cao cấp trên thế giới”.
Trong năm đầu tiên hoạt động là 2012, doanh thu của Marou đạt 120.000 USD. Công ty dự kiến đạt 1 triệu USD trong năm nay. Với đội ngũ chỉ 20 nhân viên, nhà máy của Marou tại Thủ Đức đang sản xuất 100 kg sôcôla mỗi ngày.
Năm ngoái, công ty sản xuất được tổng cộng 3 tấn sôcôla, trong đó 70% được xuất khẩu sang 20 thị trường trên thế giới, chủ yếu là châu Âu. Không lấy làm lạ, thị trường lớn nhất của họ là Pháp, quê nhà của đồng sáng lập viên Vincent Mourou.
Cuối năm nay, Marou sẽ mở cửa hàng sôcôla đầu tiên của họ ở gần chợ Bến Thành, nơi thu hút khá đông khách du lịch đến mua sắm tại TPHCM.
Marou Tiền Giang 70% |
Khởi nghiệp tại Việt Nam
Waugh đã có một thời gian dài quan sát nền kinh tế Việt Nam, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Baring Asset Management, Jardine Fleming và JP Morgan Chase. Ông nói: “Đứng từ ngoài nhìn vào thì rất dễ hứng thú với Việt Nam. Đây là nơi dành cho những cơ hội lớn nhờ nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, nhân lực dồi dào, vị trí địa lý và dân số đông. Tuy nhiên, một khi đã tiến vào thị trường này thì mới thấy là vẫn có nhiều trở ngại như vấn đề về tiền tệ, hệ thống ngân hàng, thủ tục hành chính…
“Các dự án khởi nghiệp đều phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng khởi nghiệp ở các thị trường cận biên lại càng đối mặt với nhiều rủi ro hơn nữa. Đó là một môi trường kinh doanh đầy khó khăn và không dành cho những người nhút nhát”, ông nói thêm. “Nhưng với những doanh nhân đã trang bị đủ sự kiên nhẫn và nguồn vốn, phần thưởng dành cho họ có thể đến trong dài hạn”.
Đối với những doanh nhân nước ngoài như Maruta và Mourou, Việt Nam mang lại cho họ một điều khác với những gì hay được cảnh báo: quyền tự do kinh doanh những gì họ muốn.
2 nhà sáng lập của Marou không ngần ngại lăn xả vào mọi công việc – Ảnh: Getty Images |
Maruta cho biết: “Nếu muốn kinh doanh những thứ như sôcôla ở Pháp, trở ngại lớn nhất là bạn sẽ gặp phải hàng tá câu hỏi chất vấn trong mắt mọi người: Anh là ai? Anh được cấp phép chưa? Anh đã học cách làm sôcôla chưa? Gia đình anh có truyền thống làm sôcôla không? Nhưng tại Việt Nam, bạn sẽ không gặp phải những câu hỏi kiểu này và sẽ được làm những gì bạn muốn. Đó là cảm giác của sự tự do”.
Trong khi những người khác chỉ thấy cơ hội từ những ngành nghề dùng lao động có tay nghề thấp và chi phí rẻ, thì các ông chủ của Marou lại nhìn ra cơ hội sử dụng những công nhân lành nghề để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Đầu tư mạnh vào khâu thiết kế sản phẩm
“Chuyện này có vẻ là khá ngược đời. Mọi người coi Việt Nam là nơi sản xuất hàng hóa giá rẻ nhưng chúng tôi quyết định đi theo phân khúc cao cấp”, Maruta cho hay. “Chúng tôi đầu tư rất nhiều trong khâu thiết kế, không chạy theo giá rẻ và hướng tới những sản phẩm cao cấp. Chính cách làm trái khoáy này là điều khiến chúng tôi nổi bật”.
Một ví dụ điển hình là giấy gói sôcôla của Marou. Nhóm thiết kế Rice Creative đã thử qua nhiều mẫu khác nhau, trước đi quyết định sử dụng một phong cách thiết kế đầy chất Art Deco. Năm 2013, một trong những mẫu thiết kế của Marou đã giành huy chương vàng về bao bì tại một giải thưởng quốc tế đầy danh giá.
Nhóm này cho biết họ mất khoảng 9 tháng để chọn được ý tưởng thiết kế giấy gói cho Marou từ mẫu hoa văn của Việt Nam. Màu giấy là màu tự nhiên của vỏ quả cacao, sau đó họ sử dụng kỹ thuật in lụa truyền thống của người Việt để in mỗi miếng giấy gói.
Thiết kế cuối cùng là những hoa văn màu vàng đều được trang trí bằng những hình vẽ tay như hoa lá, động vật, những đám mây và kiểu chữ hiện đại đồng màu.
Năm màu sắc gồm xanh lá cây, vàng, xanh da trời, đỏ và tím xanh được chọn nhằm phù hợp với màu quả cacao và thể hiện từng hương vị của mỗi loại sôcôla. |
Maruta cho biết, “Đơn hàng đầu tiên chúng tôi có được là từ La Grande Epicerie de Paris, một trong những cửa hàng thực phẩm uy tín nhất ở Pháp. Những mẫu thiết kế đã đóng góp một phần rất lớn. Họ đã liên hệ với chúng tôi ngay sau khi nhìn thấy các mẫu giấy gói”.
“Bao bì của Marou rất nghệ thuật”, Dmitry Minkov, ông chủ của Hello Chocolate!, một nhà cung cấp sôcôla chất lượng cao ở Singapore, cho biết. “Mọi người thường chọn mua sôcôla làm quà tặng, đó là lý do vì sao họ lại chú ý đến bao bì. Chất lượng của sản phẩm cũng quan trọng, tuy nhiên, khách hàng thường để ý tới bao bì nhiều hơn vì nó trông đắt tiền nhưng giá lại phải chăng. Và Marou nổi tiếng vì loại bao bì này”.
Bao bì của Marou được một vị giám khảo đánh giá là “đủ tiêu chuẩn để đóng khung treo tường” – Ảnh: agentofstyle.com |
Hello Chocolate! thuộc Vara Group, là đại diện cho nhãn hiệu kẹo Sugarpova của ngôi sao quần vợt Maria Sharapova ở trung tâm Robinsons tại Orchard Road, khu vực mua sắm sang trọng bậc nhất ở Singapore.
“Marou là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của chúng tôi”, Minkov cho biết. “Rất nhiều khách hàng yêu thích sôcôla đen tìm đến đây chỉ để mua sản phẩm của Marou”.
Cơ hội cho người nông dân Việt
Được người Pháp đem tới Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, hiện cây cacao vẫn còn được trồng ở các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long – vùng đất đang đóng góp tới 50% cây lương thực chủ yếu và 27% GDP của Việt Nam.
10 năm trước, cây cacao chỉ chiếm khoảng 2.000ha đất ở Việt Nam. Đến nay, loại cây này đã bao phủ hơn 54.000ha diện tích đất.
Ông Hồ Văn Lâu, một nông dân 62 tuổi ở Tiền Giang chuyên bán hạt cacao cho Marou, cho biết: “Cây cacao có thể cho ra trái sau 5 năm trồng và có thể ra trái trong vòng 40 năm. Chúng thích hợp sống trong bóng râm nhưng không thích những nơi có nhiều nước, vì khi đó rễ của chúng sẽ bị thối đi”.
Là loại cây trồng phát triển mạnh trong bóng râm rừng nhiệt đới, vỏ cacao trong giai đoạn chín sẽ có 5 màu, tương ứng với màu của bộ giấy gói Marou.
Ông Lâu cho biết Marou muốn có những hạt cacao thật sạch, nên ông đã lên men chúng trong 6 ngày, sau đó phơi khô chúng thêm 7 ngày nữa rồi mới cho vào bao. Những hạt đậu này không phải phun thuốc trừ sâu hay chất bảo quản.
Trong năm nay, ông Lau đã bán được 840 kg cacao cho Marou, thu về 3.200 USD.
Trường Văn
Các sản phẩm số CỰC HOT giải trí, học tập tham khảo ngay cho nóng:
- Spotify Premium trọn đời
- bán tài khoản tradingview tại oao.vn
- chặn quảng cáo youtube trên tivi điện thoại, các loại
- Đăng ký zoom giá rẻ
Tham khảo các bài hay sau:
- cách tạo trend trên mạng xã hội
- chỉ số sức mạnh dragon ball
- xén lông cừu là gì
Nguồn:
- https://huongdan365.com/ – oao.vn – google