Sở Tư pháp TP.HCM đang thụ lý một số vụ khiếu nại của người dân về việc các văn phòng công chứng bị “lọt lưới” “dính bẫy” của kẻ lừa đảo khi công chứng vào các hợp đồng mua bán nhà, đất bằng giấy tờ giả hoặc giấy tờ thật nhưng đương sự đã mang bán nhiều lần… Theo một cán bộ Sở Tư pháp, các công chứng viên đã làm hết cách nhưng vẫn dính bẫy và Sở đang hoàn thiện mạng hồ sơ công chứng để tránh thiệt hại cho người dân và cho cả công chứng viên.

Lọt cửa công chứng

Theo ông Vũ Đăng Q. (ngụ phường 2, quận 8), qua công việc ông biết Nguyễn Hoàng T. muốn bán miếng đất ở huyện Củ Chi và ông đồng ý mua. Tháng 3-2012, hai người đến một văn phòng công chứng ở quận 1 làm thủ tục mua bán. Sau đó, ông làm thủ tục sang tên, đăng bộ nhưng ông T. xin khất lại vì cha ông đang bệnh nặng. Đến đầu năm 2014, ông không liên lạc được với ông T. nên đến Phòng TN&MT huyện Củ Chi tìm hiểu thì tá hỏa khi biết miếng đất trên đang do một người khác đứng tên. Theo hồ sơ thì người này và ông T. đã làm thủ tục mua bán tại văn phòng Công chứng huyện Củ Chi sau thời điểm ông mua bán gần hai năm. Biết sự việc, ông gửi đơn đến các cơ quan đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông T. và trách nhiệm của văn phòng Công chứng huyện Củ Chi.

Cũng với cách bán hai lần như trên, ông S. cũng ôm “cục giận” vì không biết làm sao lấy lại 2 tỉ đồng. Số là năm 2010, ông Phạm Văn C. bán cho bà T. một căn nhà ở phường 7, quận 3 với giá 4,5 tỉ đồng. Việc mua bán này đã được một văn phòng công chứng ở quận 4 chứng nhận. Gần hai năm sau, ông C. mang bán căn nhà này cho ông S. với giá 2 tỉ đồng và việc mua bán này được thực hiện tại một văn phòng công chứng ở huyện Hóc Môn. Khi ông S. đi nộp thuế trước bạ để sang tên mới ngã ngửa là giấy hồng ông đang giữ là giả!


 

Ông T. mang mảnh đất này bán hai lần cho hai người khác nhau và đều được hai tổ chức hành nghề công chứng xác nhận. Ảnh: N.HIỀN


Công chứng viên làm hết trách nhiệm

Về hai trường hợp trên, các công chứng viên đều cho rằng mình đã làm hết cách, hết trách nhiệm.

Cụ thể, về trường hợp bán đất, trưởng văn phòng công chứng huyện Củ Chi cho biết công chứng viên đã làm đúng quy trình, quy định. Hồ sơ mua bán hoàn toàn hợp lệ, giấy tờ là thật. Công chứng viên cũng đã tra cứu mạng ngăn chặn của Sở Tư pháp, thấy tài sản trên không vướng mắc gì. Còn vụ mua bán nhà, công chứng viên báo cáo là đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan; tra cứu trên hệ thống dữ liệu của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, công chứng viên không phân biệt được giấy tờ là giả vì giấy tờ giả được làm quá tinh vi.

“Bình” về các vụ việc trên, ông Phan Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, cho biết: Theo quy định người bán tài sản phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản. Nếu có hành vi lừa dối, che giấu để bán tài sản không hợp pháp hoặc cho nhiều người thì cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Với công chứng viên, luật cũng quy định tùy theo mức độ vi phạm trong hoạt động công chứng mà có thể bị xử lý về trách nhiệm hình sự, hành chính, kỷ luật. Về trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại khi xảy ra tình trạng công chứng trật gây thiệt hại cho người mua sẽ do tòa án xem xét. Theo quy định nếu công chứng viên đã sử dụng hết các biện pháp nghiệp vụ theo quy trình mà không phát hiện bất thường do các bên mua bán cố tình che giấu, giả mạo tinh vi… khiến hồ sơ bị “lọt” cửa công chứng, thường tòa án không quy trách nhiệm bồi thường cho công chứng viên.

Sở Tư pháp đang tìm cách ngăn chặn

Cơ quan chức năng có truy cứu trách nhiệm người có hành vi sai thì người mua ngay tình cũng mỏi mệt, công chứng viên cũng mất ăn mất ngủ. Vì thế, Sở Tư pháp TP.HCM đang tìm cách ngăn chặn triệt để tình trạng lừa đảo thông qua cơ quan công chứng.

Theo bà Nguyễn Tuyết Lê, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng (Trung tâm) Sở Tư pháp TP.HCM, hiện trên địa bàn có 52 tổ chức hành nghề công chứng. Trung tâm có nhiệm vụ quản lý hai trang mạng, hỗ trợ cho các tổ chức công chứng hoạt động.

Thứ nhất là mạng thông tin ngăn chặn, bao gồm thông tin cầm cố, kê biên, ngăn chặn do các cơ quan thi hành án, tòa án… đưa lên. Mạng này khá đầy đủ về thông tin ngăn chặn tài sản, được các tổ chức công chứng sử dụng phổ biến từ năm 2007.

Thứ hai là mạng quản lý hồ sơ công chứng. Sở đã thuê công ty viết phần mềm để quản lý tất cả thông tin công chứng, mua bán tài sản từ các phòng công chứng. Phần mềm này hiện đã được áp dụng thử nghiệm tại bảy phòng công chứng. Dự kiến đến cuối tháng 5, phần mềm này có thể áp dụng cho tất cả 52 tổ chức hành nghề công chứng trên TP. “Với phần mềm này, bất kỳ giao dịch nào đã được công chứng sẽ được đưa lên mạng chung. Từ đó các phòng công chứng có thể kiểm soát tình trạng pháp lý liên quan đến tài sản khi có giao dịch tại phòng công chứng khác, điều này sẽ hạn chế được rủi ro” – bà Lê nói.

ÁI NHÂN – NGUYỄN HIỀN

 

1.000 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các quận/huyện bị mất và trung tâm thông tin và tư vấn công chứng đang tiếp tục cập nhật số seri, số hiệu các phôi giấy này, đưa lên mạng để tránh tình trạng kẻ xấu sử dụng nó vào mục đích xấu.

Video đang được xem nhiều