Cái tên Lê Diệp Kiều Trang không xa lạ với nhiều người, nhất là người trẻ. Từ khi còn là học sinh trung học, Kiều Trang đã nổi tiếng vì học giỏi và còn vì khả năng ngoại ngữ xuất sắc của chị. Kiều Trang vắng bóng một thời gian dài ở Sài Gòn, tính từ khi chị sang Mỹ du học, cho đến gần đây…  

Nhiều tờ báo tại Mỹ đã đưa tin về Misfit Shine và khen ngợi anh Sonny, chồng chị. Là người sát cánh bên chồng trong công việc, chị đánh giá thế nào về dấu ấn của Misfit Shine trên thị trường?

Thật đáng mừng khi Misfit Wearables thành công khá trôi chảy với sản phẩm đầu tiên trong thời gian rất ngắn. Đó  là nhờ sự nỗ lực và tâm huyết của cả công ty. Đội ngũ các bạn kỹ sư, nhà khoa học trẻ đã làm việc hết mình không ngừng nghỉ hơn cả năm trời. Cũng phải thừa nhận có chút may mắn nữa nên công việc mới trôi chảy vậy. Sản phẩm được tung ra thị trường chưa đầy bốn tháng, nhưng đã xây dựng được hệ thống đại lý, có mặt trên thị trường bán lẻ hơn 30 nước, đặc biệt sản phẩm Misfit Shine có mặt trên hệ thống Apple store toàn cầu, hệ thống Best Buy và các chuỗi cửa hàng danh tiếng khác như Selfridges (UK), Fnac (France)…

Nếu đưa ra lý giải cho thành công của Misfit Shine, chị sẽ nhấn mạnh điều gì?

Có được thành công bước đầu theo tôi nghĩ là vì đã nhìn thấy và nắm bắt cơ hội thị trường đúng lúc. Dòng sản phẩm thể thao, sức khoẻ đang là thị trường phát triển nhanh trên thế giới, nhưng sản phẩm được thiết kế tinh tế và thời trang là một cơ hội còn bỏ ngỏ. Ngoài việc nhìn thấy cơ hội này, Misfit không chỉ có nhóm kỹ sư thiết kế giỏi để mau chóng sáng tạo ra được sản phẩm, mà còn có nhóm kinh doanh nhanh nhạy đẩy mạnh đươc việc tiếp cận thị trường trong thời gian ngắn.

Với việc quyết định mở văn phòng Việt Nam nhằm phục vụ công việc phát triển phần mềm (software development) và phát triển thuật toán (data science) chị thừa nhận đó là một quyết định rất khác người. Trước giờ các công ty Việt Nam chủ yếu làm gia công cho nước ngoài, kể cả ngành công nghệ, còn Misfit Wearables lại dấn thân vào con đường làm R&D đầy thử thách. Đằng sau quyết định ấy là gì?

Tôi trước giờ vẫn tin nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là chất xám. Mặc dù điều kiện học hành của mình còn chưa đầy đủ và vì vậy có nhiều thiệt thòi, nhưng nhóm sinh viên giỏi của Việt Nam có nền tảng khá vững chắc về các môn khoa học , và nếu các bạn ấy còn ham học hỏi nữa thì có thể làm được rất nhiều điều ấn tượng.
Chị Lê Diệp Kiều Trang
Là người thích lĩnh vực tư vấn và thành công với công việc ấy, chị thử đưa ra những dự đoán về công nghệ số ở Việt Nam? Những sản phẩm hướng tới chăm sóc sức khoẻ con người như Misfit Shine, liệu Việt Nam có là thị trường tiềm năng?

Về mặt cầu, thị trường công nghệ số ở Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển nhanh và lớn mạnh trong những năm tới vì dân số Việt Nam là dân số trẻ, nhu cầu giao lưu, học hỏi thông qua mạng lưới công nghệ sẽ chỉ có tăng. Về mặt cung, bài toán này vẫn còn nhiều ẩn số. Mặc dù tôi rất tin vào khả năng công nghệ của kỹ sư Việt Nam, các bạn hoàn toàn có khả năng xây dựng những sản phẩm tốt. Vấn đề đặt ra là làm sao hướng được nguồn lực này vào những cơ hội thị trường có thật (mà nhiều khi rất khó nhận định đăc biệt trên thị trường công nghệ số), và làm sao để sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, trong nước lẫn quốc tế.

Chị từng chia sẻ khi lấy xong bằng thạc sỹ tài chính tại Anh quyết định sẽ không ở lại nước ngoài mà về Việt Nam làm việc để được gần gia đình và chị đã về. Nhưng sau khi lấy chồng chị lại quyết định theo chồng qua Mỹ và tiếp tục học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại MIT. Đó có là một quyết định khó khăn?

Thật ra lúc đó tôi cũng không có lựa chọn nào khác. Vì đi du học cũng sớm, nên việc ra nước ngoài sống và làm việc hầu như không có trở ngại nào. Với anh Sơn lúc đó, nếu theo tôi về Việt Nam là phải bỏ dở công ty AgaMatrix đã gây dựng nhiều năm, lúc đó đã có hơn 150 kỹ sư, sẽ là thiệt thòi lớn.

Còn chuyện nghỉ việc tại tập đoàn tư vấn tài chính McKinsey, một top job (công việc nhiều người mơ ước) về với văn phòng Misfit Wearables bởi tự thân muốn thử thách môi trường mới hay đi theo tiếng gọi của con tim?

Ý tưởng tìm về Việt Nam để phát triển nhóm R&D (nghiên cứu và phát triển) một phần là do tôi gợi ý anh Sơn. Khi anh Sơn gây dựng được nhóm kỹ sư này, một cách rất tự nhiên tôi thấy gần gũi và gắn bó ngay với các bạn, mặc dù lúc đó vẫn còn làm ở McKinsey. Khi nhóm này phát triển, tôi thật sự muốn dành thời gian nhiều hơn cho họ, vậy chắc đúng là tôi đã đi theo “tiếng gọi của con tim” (cười).

Trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, bài học hay kinh nghiệm nào chị cảm thấy tâm đắc nhất? Phương châm sống của chị là gì?

Nghiệm lại những công việc đã trải qua, tôi thấy điều quan trọng nhất là chọn công việc mình say mê và làm việc với những người mình quý trọng. Cho dù xuất phát điểm như thế nào, nếu có được môi trường như vậy thì mình sẽ học hỏi được rất nhiều, làm được nhiều điều có ý nghĩa và những yếu tố như lương bổng, vị trí trong công việc chắc chắn cũng sẽ thuận lợi. Đừng nên bắt đầu theo hướng ngược lại, tức bắt đầu từ lương bổng và vị trí…
Chị Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng (ngoài cùng bên trái) và các cộng sự Misfit Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: M.W. 
Chị có một thời gian, ngoài công việc kinh doanh và nghiên cứu khoa học ở MIT nhưng vẫn có mặt trong ban điều hành Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC với những trăn trở về nông nghiệp, nông sản Việt Nam khi đưa ra khái niệm Siêu trái cây. Công việc ấy có còn đeo đuổi chị?

Tôi lúc nào cũng muốn làm cầu nối cho Việt Nam và thế giới bởi được đi nhiều, thấy nhiều nên cũng có nhiều ý tưởng. Nếu có cơ hội nào giúp được cho doanh nghiêp nào ở Việt Nam, tôi rất sẵn lòng. Hiện tại, tôi vẫn tâp trung trong lĩnh vực công nghệ và phát triển nguồn lực con người.

Có bao giờ trong chị xuất hiện ý nghĩ hối tiếc, kiểu: “Giá như… Nếu… thì cuộc sống của mình đã tốt đẹp hơn, giàu có hơn…”?

Đến giờ thì chưa (cười).

Khắp nơi trên thế giới đang đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới, trong cuộc sống lẫn trong cống hiến cho xã hội. Tôi hình dung, chị là người chịu lùi lại một bước để ông xã đi lên ? Chị quan niệm thế nào về thành đạt của một người phụ nữ?

Người ta thường hay nói: “Đằng sau thành công của người đàn ông luôn là bóng dáng của người phụ nữ”. Ít người hỏi “Đằng sau thành công của người phụ nữ là ai?”. Tôi quan sát nhiều người đi trước và nghiệm ra rằng để có một người phụ nữ thật sự thành công, đằng sau họ lúc nào cũng là một người đàn ông đầy tình yêu và lòng vị tha. Trong cuộc sống vợ chồng, mỗi người đều là điểm tựa cho người kia bằng cách này hay cách khác.
Trung tâm bồi dưỡng người nhập cư (ILC) của Mỹ từng ghi nhận ông xã chị là một trong những người nhập cư có đóng góp lớn cho ngành công nghệ sinh học ở bang Massachusetts và vùng New England phía đông bắc, cũng là người sớm khẳng định tên tuổi ở Thung lũng Silicon. Thế trong mắt chị, ông xã là người thế nào?
Anh Sơn là một người nhạy bén trong kinh doanh, đầy nhiệt huyết trong công việc và sống nhiều tình cảm.
Thiết bị theo dõi hoạt động thể chất cá nhân Misfit Shine. Ảnh: M.W 
 Chị từng được đại học Oxford vinh danh là một trong năm sinh viên xuất sắc, theo chị thì sinh viên Việt Nam có những mặt mạnh và mặt yếu nào so với sinh viên thế giới? Trong những lần gặp gỡ với các sinh viên và trí thức trẻ trong mục tiêu chiêu mộ tài năng Việt cho Misfit Wearables, tiêu chí nào được chị đánh giá cao?

Tôi đánh giá cao sự ham học hỏi và cầu tiến. Các bạn này thường làm được những điều các bạn chưa bao giờ làm, hoặc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được.

Nếu một người trẻ đang cần tiếp lửa hay vực dậy hoài bão vươn lên, chị sẽ khuyên họ điều gì?

Một điều tôi ngộ ra từ công việc ở Misfit là Thượng Đế tạo ra con người rất khác nhau, có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, nhưng nếu biết cách kết hợp với nhau, điểm mạnh của người này sẽ bù vào điểm yếu của người kia, làm nên vẻ đẹp của cuộc sống. Nếu bạn trẻ nào đang chán nản, đừng thu hẹp lại mà chịu khó tìm hiểu về người khác. Các bạn sẽ tìm thấy những điểm rất hay từ người khác và từ chính mình nữa.

Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980 tại Phú Nhuận, TP.HCM

Năm 1998: Nhận học bổng học dự bị đại học hai năm tại Anh.

Năm 2000: Giành học bổng đại học Oxford

Năm 2003: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế và quản trị

Năm 2005: Về Việt Nam làm việc tại ngân hàng HSBC.

Năm 2008: Sang Mỹ định cư và dành học bổng Legatum của trường Quản trị Sloan thuộc viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Năm 2011: Tốt nghiệp thủ khoa ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh và đầu quân cho tập đoàn tài chính McKinsey (văn phòng tại Boston) với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.

Giữa tháng 1.2013: Nghỉ việc tại Mc Kinsey về phụ trách nhân sự và tài chính cho Misfit Wearables, công ty do chồng cô là Sonny Vũ đồng sáng lập kiêm CEO.

Với những sinh viên muốn đi du học, chị sẽ bật mí kinh nghiệm gì cho họ? Kinh nghiệm xin học bổng các trường Top và bí quyết để học giỏi các chương trình đại học tại nhiều trường của chị là gì?

Ngoài việc học giỏi để tăng khả năng giành được học bổng, các bạn cần chuẩn bị cho mình tinh thần vững vàng để sẵn sàng cho cuộc sống tự lập, nhiều thử thách, sự bền bỉ để vươn lên trong môi trường lạ, nhiều cạnh tranh và không có người thân bên cạnh.

Nhắc đến thành công của cá nhân hôm nay, theo chị đâu là yếu tố quyết định: truyền thống gia đình, sự tự thân hay nhóm cộng sự?

Tôi rất may mắn trên con đường học hành, một phần rất lớn nhờ vào đinh hướng tốt và sự chăm sóc của ba mẹ từ nhỏ. Điều này tạo cho tôi những lợi thế bước đầu khi bước vào công việc, cộng thêm sự nỗ lực của bản thân và may mắn gặp những người đồng sự giỏi nên công việc bước đầu luôn được trôi chảy.

Xa Sài Gòn định cư tại Mỹ đã lâu và thành đạt nhưng trong nhiều lần chia sẻ, chị vẫn bị níu kéo bởi nỗi nhớ quê và hấp dẫn của thành phố này. Sài Gòn đối với chị có những điều gì đặc biệt mà những đô thị khác không có? Trong chị có còn thao thức niềm mong mỏi ngày trở về quê hương làm việc?

Được đi đây đó nhiều, mình thấy nơi nào cũng có cái đẹp, cái hay riêng. Thât khó mà có nhận xét công bằng về Sài Gòn, vì đây là quê hương, là nơi mình sinh ra lớn lên, là gia đình của mình nên cái đẹp của Sài Gòn với mình thiêng liêng hơn nhiều nơi khác.

Sống nhiều năm ở nước ngoài, chị cảm thấy mình là người phụ nữ tây hóa hay vẫn là típ phụ nữ truyền thống Việt Nam? Để giữ cân bằng giữa công việc – gia đình, là người trẻ chị thường điều chỉnh cuộc sống bằng cách nào, đặc biệt là trong môi trường công nghệ luôn thôi thúc lối sống nhanh?

Xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, hoà nhập với thế giới, thật khó có sự phân biệt rạch ròi giữa mẫu hình phụ nữ Việt Nam truyền thống và phụ nữ hiện đại phương Tây. Cũng như các bạn nữ khác, tôi cũng chọn cách sống phù hợp với mình và may mắn được gia đình và mọi người xung quanh tạo điều kiện, khuyến khích. Tôi nghĩ cách tốt nhất để giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance) là làm sao để mình yêu thích công việc đến mức nó là một phần cuộc sống của mình. Lúc đó, làm việc không còn là làm việc nữa mà là tận hưởng những điều mình yêu thích trong cuộc sống.
Người Đô Thị
Ảnh bìa: Vợ chồng chị Lê Diệp Kiều Trang – Sonny Vũ. Ảnh: M.W