Phía ủng hộ NSƯT Nguyễn Chánh Tín cho rằng ông “chết” vì quá đam mê nghệ thuật. Cụ thể bộ phim Dòng máu anh hùng đã bị đánh cắp bản quyền ở nhiều nước dẫn đến việc đơn vị sản xuất bị thất thu nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn câu chuyện Dòng máu anh hùng đã xảy ra cách nay khoảng 5 năm, vì sao NSƯT Nguyễn Chánh Tín và ê -kíp thực hiện không thông báo về vụ việc này ngay thời điểm đó mà phải đợi đến ngày hôm nay mới công bố?

Nhiều người dõi theo bước đi của NSƯT Nguyễn Chánh Tín biết rất rõ cách đây không lâu ông đầu tư một dự án kinh doanh rau sạch tại Đà Lạt. Chuyện kinh doanh bị thất bại và ông phải đối mặt với một vụ kiện tụng. Từ đây phát sinh một hướng suy nghĩ là phải chăng chuyện NSƯT Nguyễn Chánh Tín “sắp ra đường”  là vì thất bại  trong kinh doanh, chứ không phải hy sinh vì nghệ thuật. Nếu một người nghệ sĩ kinh doanh thua lỗ mà đi cầu cứu sự chia sẻ của người hâm mộ thì có hợp lý không?

NSƯT Nguyễn Chánh Tín gặp khó khăn chắc chắn là điều có thật, vì rằng, với vị trí của một nghệ sĩ lớn như ông không ai dại dột đánh đổi danh tiếng đã tạo lập từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, thực tế ông có một người con trai đang sinh sống và làm việc ở Canada, một người con gái có công ăn việc làm tại Việt Nam. Hơn nữa, ông có 2 người cháu là Johny Trí Nguyễn và Charlie Nguyễn đang rất thành công trong lãnh vực điện ảnh tại Việt Nam. Riêng Charlie Nguyễn liên tiếp thắng đậm ở nhiều bộ phim kết hợp với Thái Hòa. Hai ngôi sao này đã từng là thành viên trong ê-kíp thực hiện phim Dòng máu anh hùng hẳn nhiên phải có trách nhiệm với người chú ruột của mình. Chính những con người gần gũi ấy phải thể hiện tấm lòng tương trợ trước khi để công chúng chìa tay cứu vớt.
Niềm vui của những nghệ sĩ già nơi đây là được gặp gỡ, nhận được sự chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp, người thân, các mạnh thường quân…
  

Câu chuyện của NSƯT Nguyễn Chánh Tín làm người ta liên tưởng đến những mảnh đời bất hạnh của những nghệ sĩ đã và đang sống trong viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM. Họ cũng là những nghệ sĩ tên tuổi từng một thời đóng góp rất lớn cho nghệ thuật như nghệ sĩ Ngọc Đán, đào chánh kiêm bà bầu của một đoàn cải lương nổi tiếng thập niên 1950 – 1960, cố nữ nghệ nhân đờn ca tài tử Bạch Huệ, hay Thiên Kim nữ nghệ sĩ xuất hiện rất nhiều trong các phim truyền hình. Họ đã từng đứng trên đỉnh cao danh vọng, đã từng đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật nhưng vì hoàn cảnh nay họ phải sống nương nhờ vào sự bảo bọc của viện.

Hiện tại người trẻ nhất ở đây đã 65 tuổi. Nhiều năm qua, họ sống qua ngày nhờ vào hai bữa cơm của Hội ái hữu nghệ sĩ TP.HCM. Thỉnh thoảng có đoàn mạnh thường quân ghé thăm cho ít tiền, họ dành dụm để đề phòng bệnh tật bất ngờ. Khổ nỗi vào độ tuổi gần đất xa trời, bệnh lặt vặt đến liên miên nên tất cả đều sống trong khốn khó và thiếu thốn. Ngay cả nghệ sĩ Thiên Kim chạy show phim nhiều nhưng cát-sê rất thấp nên thu nhập thực tế cũng không đáng là bao.

Phần đông trong số nghệ sĩ trong viện là người già neo đơn, không nhà cửa. Vài người trong số họ cũng có con cái nhưng rất nghèo khó không có khả năng chăm sóc cho cha mẹ nên họ đã xin đến nơi này để làm nơi tựa trong những ngày cuối đời. Nếu so với trường hợp NSƯT Nguyễn Chánh Tín thì thân phận của họ thật sự quá bọt bèo và rất mong manh. Họ mới thực sự là những nghệ sĩ cần nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Thế nhưng họ đã không lên tiếng kêu gọi sự cứu trợ nào cả. Ai còn nhớ, đến thăm và chia sẻ thế là vui. Còn không họ chấp nhận thực tại, bởi vì, họ cho biết rằng mình phải tự chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, cái cuộc đời và cái nghiệp mà họ đã chọn…

Lý Kim. Ảnh: Lý Kim, TL