Cùng tìm hiểu Cuộc sống khó khăn của ông lão cuối đời phải đơn độc chăm vợ bệnh, chi tiết bài viết:
GiadinhNet – Trải qua gần trọn cuộc đời cơ cực, đôi vợ chồng già ấy vẫn chưa được hưởng hạnh phúc tuổi xế chiều.
Các con qua đời vì bạo bệnh, hai năm qua, đứa cháu nội của hai cụ cũng đột nhiên bặt tăm. Trong căn phòng rộng chưa đầy 2m2, cụ ông phải cặm cụi, xoay sở lo cho người vợ bại liệt. Cuộc sống tương lai của họ, chưa biết rồi sẽ về đâu…
Những tai ương liên tiếp
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, cụ Trà nghẹn ngào cho biết: “Biết bao lần ông ấy nói dối ăn no rồi để nhường cơm cho tôi ăn. Đêm nào ông ấy cũng thức suốt đêm xoa bóp chân cho tôi, nên bây giờ tôi mới ngồi dậy được. Ông ấy luôn động viên tôi: “Bà phải ăn uống cho tốt để còn sống với tôi. Bà không được chết trước, không được để tôi trơ trọi một mình giữa cuộc đời này”“.
Mấy chục năm qua, căn phòng chưa đầy 2m2 chật chội ở lầu 4, lô 8 cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh (TP.HCM), ẩm mốc vừa là phòng khách, là bếp, kiêm luôn nhà tắm của vợ chồng cụ ông Hồ Đắc Tá (75 tuổi) và bà Dương Thị Trà (68 tuổi). Hằng đêm, cụ ông ngủ co ro trong căn phòng chật chội, còn cụ bà nằm ngoài võng ở hành lang khu xá. “Vì bà ấy to quá nên không thể ngủ trong căn phòng này được, vào những ngày nắng còn đỡ chứ vào mùa mưa thì khổ cực trăm bề. Căn phòng bị dột tứ phía, chiếc võng ngoài hành lang nơi vợ tôi nằm cũng bị mưa tạt vào ướt sũng. Suốt đêm hai vợ chồng tôi không một phút chợp mắt, chỉ biết ngồi ngoài hành lang chờ cơn mưa tạnh hạt”, cụ Tá buồn rầu cho biết. Trong căn phòng chỉ có chiếc ti vi, nồi cơm điện cũ kĩ là những đồ vật có giá trị. Những thứ ấy đều là đồ bỏ đi của dân trong khu phố, cụ Tá thấy tiếc nên nhặt đem về sửa để dùng. Chiếc bàn thờ nhỏ được kê tạm bợ nơi góc phòng là nơi cụ thờ cha mẹ và những đứa con xấu số.
Khi nhắc đến số phận cay nghiệt của gia đình, đôi vợ chồng già lại rơm rớm nước mắt. Phải mất một lúc lâu sau đó, cụ Tá mới bình tĩnh kể lại những tai ương ập đến với tổ ấm bé nhỏ của mình. Cũng theo lời cụ Tá, cụ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Khi mới học biết mặt chữ thì cụ phải nghỉ học đi bán bánh mì để kiếm miếng ăn sống qua ngày. Bởi thời gian đó, cha mẹ cụ đều mất trong một vụ tai nạn lao động ở khu công trường xây dựng. Cũng từ đó, cuộc sống của mấy anh em cụ bị phân tán đi tứ xứ để tự nuôi sống bản thân.
Năm 1967, cụ Tá yêu và kết duyên với cô gái làng bên cùng cảnh ngộ, người con gái đó cũng chính cụ Trà bây giờ. Không có nổi một tấc đất cắm dùi, hai vợ chồng dắt díu nhau sống nhờ nhà bà con, nay đây mai đó. Tình yêu đôi vợ chồng trẻ càng được nhân lên khi mấy đứa con lần lượt ra đời. Thế nhưng, cũng từ đó tình cảnh gia đình nhỏ này càng thêm khó khăn. Năm 1976, hai cụ dắt mấy đứa nhỏ đi tìm cơ hội đổi đời. Đi cùng với vợ chồng cụ ngày ấy còn có rất nhiều bà con nghèo ở miền Trung tìm đến vùng đất mới cùng ước vọng đổi đời. Thế nhưng, ở nơi rừng thiêng nước độc, họ phải làm quần quật để khai khẩn những mảnh đất cằn cỗi. “Vụ bắp đầu nặng hạt, nhưng đến mùa sau lại thất thu gia đình tôi phải ăn bắp, rau rừng qua ngày. Giấc mộng đổi đời chưa thấy nhưng đã cướp đi sinh mạng hai đứa con đầu của vợ chồng tôi”, kể đến đấy giọng ông Tá như lạc đi.
Hai cụ luôn bên nhau dù cuộc sống vất vả.
Nuốt nước mắt vào trong, hai vợ chồng hi vọng vào tương lai, kết nối hạnh phúc bằng việc sinh thêm những đứa con. Oái ăm thay, nơi đất núi rừng Tây Nguyên lại liên tiếp cướp đi mạng sống của những thiên thần nhỏ ấy vì căn bệnh sốt rét. “Khi đó, vợ chồng tôi không còn nước mắt để khóc con. Đến bây giờ, hình ảnh những đứa con rúm ró ra đi vì căn bệnh sốt rét hành hạ vẫn ám ảnh vợ chồng tôi trong những đêm dài. Nghĩ lại cuộc đời sao mà cay đắng đến vậy. Cỗ quan tài cho con nằm vợ chồng tôi cũng không lo nổi”, cụ Tá nghẹn lời trong nỗi đau xót.
Hai vợ chồng mỗi người một nơi đi thắp từng nén nhan lên nấm mồ mới, mồ cũ của các con mà ruột gan đau như cắt. Thương nhớ đàn con, đêm nào cụ Trà cũng ngồi ngoài mộ cho tới sáng. Trong khi đó, đứa con còn lại đau ốm triền miên khiến cụ Tá rất hoang mang, lo lắng sợ lưỡi hái tử thần sẽ lại cướp đi mất. Do vậy năm 1981, cụ Tá quyết định đem vợ con về TP. HCM sinh sống. Không còn một đồng bạc trong người, cả gia đình tìm đến gầm cầu tá túc qua đêm. Ngày ngày, hai vợ chồng đến nơi xó chợ làm thuê kiếm từng đồng bạc lẻ cầm cự qua ngày. Nhưng số phận vẫn chưa buông tha cho họ, khi đứa lớn bị ung thư máu.
Đau xót khi nhìn con khóc thét vì căn bệnh dày vò nhưng hai vợ chồng chỉ biết ôm con trong bất lực khi cái ăn còn chưa có nói gì đến việc đi chữa bệnh cho con. Giữa lúc mạng sống như “chỉ mành đeo chuông” thì cụ Tá tình cờ gặp lại người bạn cũ tên Anh Kiệt. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp của hai vợ chồng, người bạn bỏ tiền ra mua cho họ một căn phòng 2m2 cạnh cầu thang làm nơi tá túc đến nay. Ông Kiệt còn cho cụ Tá mượn gian quán nhỏ ở lô 4 và giúp một số vốn để mở quán bán bún Huế. Khi ấy có chút tiền, cụ tức tốc đưa con đi chữa bệnh nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Cuối cùng, hai cụ chỉ còn duy nhất đứa con trai Hồ Đắc Quy sống sót, rồi lớn lên và lập gia đình. Hai vợ chồng cụ Tá cứ tưởng từ hôm nay trái tim tuổi già cũng được an ủi khi có con cháu quây quần. Nhưng rồi, người con dâu cũng không chịu được cảnh sống khổ cực đã dứt áo ra đi tìm hạnh phúc mới. Tuyệt vọng khi hạnh phúc tan vỡ, anh Quy bỏ nhà lên Phước Long (huyện cũ của Bình Phước) thì bị căn bệnh sốt rét rồi bỏ mạng.
Trải qua quá nhiều lần “người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh” khiến trái tim vợ chồng cụ cũng chai sạn. Trong đau khổ và tuyệt vọng, họ đã từng nghĩ đến cái chết nhưng rồi thôi vì lo không ai hương khói cho các con. Họ lại động viên nhau cùng gắng gượng bước tiếp đoạn đường ngắn ngủi còn lại. Cụ Trà tâm sự: “Không biết đến bao giờ, chúng tôi mới quy kết đủ hài cốt các con. Thời đó, do chôn mỗi đứa một nơi nên giờ thất lạc hết rồi. Trước đây, người dân trên đó báo tin lên nhận 2 hài cốt nhưng do không có tiền đi, chúng tôi đành nhờ họ hỏa thiêu. 5 năm trước, vợ chồng tôi vay mượn được ít tiền để lên vùng kinh tế mới tìm hài cốt mấy đứa còn lại nhưng không thành. Cũng may vẫn còn bộ hài cốt của hai đứa chết ở TP. HCM chúng tôi đang gửi ở chùa Vạn Đức (quận Thủ Đức)”.
Nương tựa vào nhau
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, hai cụ cho biết họ bán bún bao nhiêu năm mà cũng không có nổi tiền mua chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng, đứa cháu nội duy nhất Hồ Đắc Chánh (SN 1994) lặn lội từ Vĩnh Long lên thăm ông bà. “Mỗi lần nó (Chánh – PV) lên thăm, chúng tôi hạnh phúc lắm, nhìn cháu khôn lớn mà mọi đau khổ đều tiêu tan. Nhưng 2 năm nay không thấy cháu lên thăm, không hiểu sao Chánh không lên, cũng không còn tin tức gì nữa. Giờ chúng tôi nhớ cháu lắm mà không biết tìm thế nào”, cụ Tá thở dài cho biết.
Đầu năm 2012, tai họa lại ập xuống gia đình cụ Trà. Trong một lần đứng trên ghế thắp hương cho các con, cụ Trà bị ngã rồi đột quỵ. Sau lần đó, cụ bà bị liệt cả hai chân. “Ông nhà tôi một đời khổ cực, từ khi tôi bị đột quỵ ông ấy càng tiều tụy hơn. Tôi nằm một chỗ từ cái ăn, cái mặc, tắm rửa vệ sinh đều phải nhờ cậy vào ông ấy”, cụ bà buồn bã nói.
Theo lời cụ Trà, khoảng thời gian đầu cụ nằm liệt giường mất 2 năm, lúc đó đành phải tạm thời đóng cửa quán bún. Không có thu nhập nên đôi vợ chồng già này đều nhờ hàng xóm thương tình giúp đỡ. Nhắc đến những người hàng xóm tốt bụng luôn cưu mang đôi vợ chồng già này những lúc khó khăn, hoạn loạn. Cụ Trà cho biết: “Mình khiến mọi người phải phiền lòng nhiều quá. Thực tình, vợ chồng tôi cũng khó nghĩ lắm”. Nói rồi, cụ nhìn cậu bạn đồng nghiệp đi cùng tôi bảo: “Giá như chúng tôi có thằng con như chú này thì hạnh phúc biết mấy”. Câu nói của cụ Trà khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Lê Nguyễn/Báo Gia đình & Xã hội
Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất
Các sản phẩm số CỰC HOT giải trí, học tập:
- mua tài khoản zoom không giới hạn
- mua discord nitro tại oao.vn
- chặn quảng cáo youtube trên tivi điện thoại, các loại
Tham khảo:
- cách tạo trend trên mạng xã hội
- hướng dẫn tài liệu kinh doanh
- Minecraft optifine là gì
Nguồn:
- Huondan365 – oao.vn – google