Cùng tìm hiểu Khát khao sống của nữ nghệ sĩ nổi tiếng bị ruồng bỏ khi mắc ung thư, chi tiết bài viết:
GiadinhNet – Dù phải vật lộn chống chọi căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối nhưng nữ nghệ sĩ nổi tiếng một thời vẫn luôn giữ những hy vọng sống tươi đẹp.
Ngôi nhà tình thương hai mẹ con bà Thủy đang sống.
Bén duyên với nghệ thuật từ sớm nhưng cuộc đời nữ nghệ sĩ cải lương Phạm Thị Bích Thủy (SN 1962) nhanh chóng rẽ lối sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ. Đến cuối đời, phận nữ “kiếp cầm ca” phải sống giữa hoang hoải cô đơn, lam lũ bán vé số kiếm tiền nuôi cậu con trai học lớp 7. Đau đớn hơn, bà phải vật lộn chống chọi căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Nhưng giữa nghịch cảnh, nữ nghệ sĩ nổi tiếng một thời này vẫn luôn giữ những hy vọng sống tươi đẹp.
Hồng nhan bạc phận
Anh em nghệ sĩ chung tay giúp đỡ
Cách đây hơn 2 năm, kênh HTV9 đã làm một chương trình mang tên “Yêu thương cuộc sống” nói về cuộc đời sau cánh gà của giới nghệ sĩ đang từng ngày chống chọi với bệnh tật. Bà Thủy là một trong số những nghệ sĩ khách mời. Sau khi chương trình kết thúc, nhiều anh em trong giới biết địa chỉ nơi bà sinh sống đã tìm đến giúp đỡ phần nào. Căn nhà nơi hai mẹ con bà đang ở cũng chính là căn nhà tình thương được địa phương giúp đỡ xây cất trên nền quán Nghệ sĩ năm xưa.
Căn nhà nhỏ hơn 10m2 nằm khiêm tốn bên con đường đất đỏ thuộc xã Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) là chốn đi về của nữ nghệ sĩ cải lương Phạm Thị Bích Thủy. Chiều muộn, bà ngồi với tôi trong căn nhà nhỏ, đồ đạc không có gì ngoài chiếc ghế salon sờn cũ vải bọc đã tưa chỉ, chiếc tủ gỗ đựng vài thứ giấy tờ mà phần nhiều là giấy bệnh án. Dưới ánh nắng ngày tàn hắt vào ngôi nhà, bất kể là bàn đến chuyện xưa nay, vui hay buồn, trên nét mặt người phụ nữ ấy cũng đều ẩn chứa nhiều nét sầu tư. Giọng nói yếu ớt, rảo bước mệt nhọc chỉ để tìm cái ly nước mời khách, bà từ tốn: “Nhà không có thứ nước gì mát cả, cháu dùng tạm. Tôi mới đi bán vé số về nên nhà còn bừa bộn lắm, lát nữa thằng cu con đi học về nó phụ tôi”.
Chính thức đi theo con đường nghệ thuật từ những năm 1980, với nghệ danh Mỹ Lệ, bà Thủy được xem là “bông hồng” của nghệ thuật cải lương tại các phòng trà Sài thành một thời. Bà kể, hồi đó phòng trà nghệ sĩ Bảo Thu, 004… là nơi bà“đóng đô” nhiều nhất. Trên sân khấu nơi, bà được thỏa sức thể hiện niềm đam mê nghệ thuật với những vở tuồng, cải lương nổi tiếng. Thế nhưng bẵng đi một thời gian khá dài, người ta không còn thấy bóng dáng nghệ sĩ Mỹ Lệ trên sân khấu. Hóa ra sau ánh đèn màu hào nhoáng, người nghệ sĩ ấy cũng như bao phụ nữ khác, thậm chí còn gian truân hơn bao người.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bình Dương, 13 tuổi, Bích Thủy sớm được theo đoàn văn nghệ tại địa phương vì có năng khiếu đam mê ca hát từ nhỏ. Một năm sau, bà trở thành thành viên trong đoàn văn nghệ của tỉnh nên có cơ hội được tham gia nhiều chương trình ca hát. Năm 17 tuổi, bà được một người bạn với cha mình, quê miệt vườn Vĩnh Long nhận về làm con nuôi. Lúc này, bà phải tạm ngưng mọi hoạt động ca hát nào. “Tôi về đó rồi đi làm công nhân cho công ty gần nhà. Cha mẹ nuôi vốn không có con cái nên thương yêu tôi như con đẻ. Thi thoảng, có một người con trai ở Sài Gòn ghé xuống thăm họ, và hai ông bà rất quý. Lúc tôi tròn 20 tuổi, cha mẹ nuôi muốn tôi lấy anh ấy làm chồng, dù không yêu nhưng tôi cũng đồng ý”, nữ nghệ sĩ một thời nhớ lại.
Về làm dâu ở tuổi đôi mươi, Bích Thủy luôn biết cách hoàn thành bổn phận. Sáng phụ mẹ chồng bán nước mía, trưa chiều tranh thủ chăm đàn heo nái để phụ giúp kinh tế. Trong tâm bà luôn nghĩ sẽ là hậu phương giúp chồng an tâm với bao dự án xây dựng nơi biển khơi. Nào ngờ trong một lần tìm đến nơi chồng làm việc, bà đau đớn phát hiện anh ta đang chung sống với người phụ nữ khác. Sau cú sốc ấy, bà đâm đơn li dị mà không hay biết bản thân đã mang thai.
Kết thúc cuộc hôn nhân sau hai năm, mang theo nỗi tủi hờn, Bích Thủy trở về quê cha mẹ đẻ ở Bình Dương để chờ ngày sinh con. Bao tháng năm vất vả, ngày đứa con gái đầy tháng, bà lại lần nữa khóc ngất khi chịu nỗi đau tình mẫu tử ly biệt. Bà kể với giọng trầm buồn: “Nhà chồng cũ biết tin tôi sinh con nên đã lên bắt đứa bé về nuôi, họ bảo không muốn đứa cháu phải sống ở vùng quê vì sợ nó khổ. Giờ con bé cũng lớn, đã lập gia đình riêng. Nó xa mẹ từ nhỏ, sống với cha nên đến giờ, tình cảm cũng không được gần gũi như mẹ con người ta”.
Giấy khám bệnh của nữ nghệ sĩ.
Động lực chiến đấu bạo bệnh
Ở tuổi đôi mươi, cái tuổi được coi là tròn trịa và đẹp nhất của người con gái nhưng Bích Thủy không được vô tư, an nhiên như bạn bè đồng trang lứa. Bà phải gánh trên vai bao lo toan, buồn tủi sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Nhưng chính trong lúc tuyệt vọng nhất, niềm đam mê ca hát đã giúp người phụ nữ này đứng dậy.“Biết tin tôi về, mấy anh chị trong đoàn nghệ thuật của tỉnh tìm đến và ngỏ ý mời tôi đi diễn. Dần dần, nhờ giọng hát được nhiều người yêu thích, tôi nhanh chóng chuyển sang hát ở các phòng trà nghệ sĩ nổi tiếng”, bà nhớ lại.
“Gái một con trông mòn con mắt”, nhan sắc của Bích Thủy ngày càng mặn mà khiến bao đàn ông để ý, si mê. Nhưng suốt 10 năm hoạt động nghệ thuật, trái tim bà chẳng thể mở lối đón nhận một người nào. Bà kể: “Từ ngày biểu diễn cải lương ở nhiều sân khấu, cuộc sống của tôi bớt chật vật. Sau ngần ấy năm, tôi dành dụm được một khoản tiền và quay về Bình Dương mở hai quán nghệ sĩ, một ở quê nhà Tương Bình Hiệp và một ở Thị xã Dĩ An. Thời gian đó, một người đàn ông từ Sài Gòn hay ghé xuống thăm”. Từ sự đồng cảm về đam mê nghệ thuật, hai người dần chia sẻ đời tư rồi nảy sinh tình cảm.
Theo lời bà Thủy kể, khi phải lòng nhau, người đàn ông này thuận tình về Bình Dương sống với bà như vợ chồng chứ không đăng kí kết hôn. Ngày ngày, cả hai cùng phụ giúp nhau trông coi quán Nghệ sĩ. Cuộc sống “vợ chồng” đang lúc mặn nồng, bà phát hiện mang thai, niềm hạnh phúc như được nhân đôi. Năm 2.000, bà hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Nhưng không lâu sau khi sinh, bà bỗng phát hiện bản thân mắc chứng rong kinh, chữa chạy đủ kiểu vẫn không thuyên giảm. Tới bệnh viện kiểm tra, bà mới hay mình bị mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Đau đớn hơn là khi bà nằm viện điều trị, người chồng hờ chỉ lui tới thăm hỏi vài ba lần rồi tìm cách “lặn một mạch”.
Kể về cuộc sống về sau khi cùng lúc phải chống chọi bệnh tật, vừa phải mưu sinh nuôi con nhỏ, đã có lúc cuộc trò chuyện giữa chúng tôi ngưng lại vì những giọt nước mắt mặn đắng trên đôi gò má hao gầy của bà. “Để có tiền chữa bệnh, tôi phải sang quán lại cho người khác. Nhưng chữa bệnh này thì tiền bao nhiêu cũng hết. Giờ tôi vẫn phải đi bán vé số hàng ngày để có tiền thuốc thang và cố gắng cho đứa con đi học. Một tháng, tôi phải xạ trị 10 tia, có ngày 1 đến 2 lần, cứ có dư ra chút là tôi lại lên bệnh viện”, bà buồn bã tâm sự. Có những hôm đi bán giữa trưa nắng gắt, mệt quá bà lả người ngất xỉu, tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Tuy vất vả nhưng chưa lúc nào, bà có ý định buông xuôi. Mỗi lần bệnh tật hành hạ, bà lại nghĩ về con trai nhỏ để cố gắng vượt qua.
Chia tay nữ nghệ sĩ từng được nhiều người ngưỡng mộ, khóe mắt tôi bỗng cay cay khi chứng kiến hình ảnh bà đang dùng tay ôm lấy phần ngực để cố dằn nén cơn đau. Cầu mong bà tiếp tục mạnh mẽ như khoảng thời gian qua để có thể đi cùng cậu con trai bé bỏng thêm một đoạn đường xa nữa.
Khôi Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất
Các sản phẩm số CỰC HOT giải trí, học tập tham khảo ngay cho nóng:
- Spotify Premium trọn đời
- bán tài khoản tradingview tại oao.vn
- chặn quảng cáo youtube trên tivi điện thoại, các loại
- Đăng ký zoom giá rẻ
Tham khảo các bài hay sau:
- cách tạo trend trên mạng xã hội
- chỉ số sức mạnh dragon ball
- xén lông cừu là gì
Nguồn:
- https://huongdan365.com/ – oao.vn – google