Buổi sáng cùng cô bạn ăn điểm tâm ở một hàng bún bò giò heo. Cô chủ quán là người Huế. Ai cũng gọi là o Trinh. Quán o Trinh luôn đông khách, bất kể sáng, trưa, chiều hay tối. Hễ quán mở là có người ghé lại. Lâu nay tôi vẫn nghĩ, chắc chắn vì bún của o rất ngon. Nhưng hôm nay, tô còn biết thêm một lý do quan trọng khác.

Cô bạn ngồi ăn cùng hôm nay khá nhiều tâm sự. Nhỏ to đủ chuyện, hai đứa mãi mới kết thúc hai bát bún bò để ra về. Đi được một quãng xa, chợt có tiếng xe máy rì rì chạy sát ngay cạnh tôi. Có ai đó khều áo: “Này em, em bỏ quên chùm chìa khóa!”. Ngớ người mấy giây, nhận ra o Trinh bán bún. Cảm ơn rối rít mà vẫn thấy hình như mình chưa tỏ hết lòng biết ơn về sự tận tình của cô chủ quán. Cứ như những người khác, chỉ giữ lại đồ bỏ quên đợi khách quay lại lấy đã là quá quý rồi. Vậy mà còn lấy xe máy chạy theo, đưa tận nơi….

Buổi chiều, tôi lang thang dọc con đường lớn ở trung tâm thành phố tìm cửa hàng sửa đồ điện tử mà không thấy. Hình như  ở những con phố lớn, người ta không có thói quen sửa đồ cũ nên la liệt các hàng hiệu bán đồ mới mà không dễ tìm một chỗ “đại tu” đồ second-hand. Người đàn ông bán hàng nước chăm chú quan sát vẻ ngó nghiêng tìm kiếm của tôi nãy giờ ý chừng nhiều thắc mắc. Khi nghe tôi hỏi, ông bảo đợi một lát rồi rút điện thoại hỏi lại địa chỉ của cửa hàng sửa đồ điện tử có uy tín nhất gần đó. Đọc số nhà cho tôi xong, ông còn “dặn” thêm một câu như để đảm bảo: “Sửa ở đây thì yên tâm lắm, không bao giờ hỏng nữa đâu!” Tôi rất tin lời ông. Bởi tôi tin vào cuộc điện thoại thật tận tình đó. Không ít lần mất phương hướng, tôi đã gặp những người cố tình làm ngơ, ngoảnh mặt đi khi hỏi thăm đường xá.

Anh chủ quán sửa đồ điện tử từ tốn hỏi tôi tình trạng chiếc máy ghi âm rồi bảo tôi gửi máy lại tới ngày hôm sau để anh xem xét. Hôm sau trở lại lấy đồ, tôi mới biết chiếc máy của mình chỉ bị hỏng giắc cắm nguồn ở cục sạc, do đó, điện không vào được. Bằng thao tác hàn thật nhanh, anh chủ tiệm vui vẻ đưa lại tôi máy và chỉ lấy mười ngàn đồng tiền công. Thêm một lần tôi cảm động trước cung cách hành xử đàng hoàng và tử tế của người chủ tiệm. Anh hoàn toàn có thể lấy nhiều hơn số tiền ấy mà tôi không hề biết, vẫn vui vẻ và vẫn rối rít cảm ơn anh….

Chợt nhớ lại lời một thầy giáo từng định nghĩa về đạo đức. Thầy bảo, người có đạo đức là người không làm những việc có lợi cho mình trong hoàn cảnh có thể làm mà không ai biết. Làm một người tốt trước mắt người khác, trước mắt đám đông đã khó, nhưng làm một người tốt, người có đạo đức khi chỉ mình mình đối diện với mình, không phải ai cũng làm được. Chuyện đó khó hơn nhiều. Những người tôi gặp hôm qua, đã hành động đúng như những gì họ thấy cần, thấy phải. Và tôi đã học được từ họ bài học về cách làm người tốt khi chỉ có một mình.

Theo Đỗ Dương (DT)


Video đang được xem nhiều