Trong cuốn “Logistics and Supply Chain Management, Ma Shuo”, tài liệu giảng dạy của World Maritime University – 1999 đã định nghĩa: “Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và chu chuyển các tài nguyên/yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát đầu tiên là nhà cung cấp, qua nhà sản xuất, người bán buôn, bán lẻ, đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt hoạt động kinh tế”.

Còn theo ông Nguyễn Đình Chung, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tasa Duyên Hải thì có thể hiểu: “Để thực hiện một mục đích kinh doanh, sản xuất nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ và tiêu thụ hàng hoá, cần phải có các dịch vụ thực hiện. Các dịch vụ này phải mang tính chất hậu cần, khép kín và có hiệu quả, tạo sự liên hoàn, liên kết cho đến khi có sản phẩm cuối cùng và được tiêu thụ đến tay người tiêu dùng”.

Để dễ hiểu hơn, ông Chung đưa ra ví dụ là sản xuất gạo. Để đưa được hạt gạo từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng, thì chính doanh nghiệp đó (hoặc có thể thuê một đơn vị/nhiều đơn vị khác thực hiện) phải thực hiện các khâu như khảo sát thị trường, sản xuất gạo, giao dịch mua bán gạo đến các đại lý, phân phối đến tay người tiêu dùng. Và mỗi khâu trong việc sản xuất gạo là một logistics (bao gồm nhiều chuỗi dịch vụ); nhiều logistics này tạo thành một chuỗi logistics.

Cụ thể hơn về ví dụ trên, logistics khảo sát thị trường sẽ gồm nhiều dịch vụ, như tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường và đưa ra tư vấn để chọn ra loại gạo, số lượng sản xuất phù hợp. Hay logistics phân phối gạo đến tay người tiêu dùng gồm các dịch vụ như dịch vụ vận tải, cảng biển, kho vận, phân phối…

Vẫn theo ông Chung, các doanh nghiệp như Tập đoàn Trung Nguyên, Tập đoàn TH, Tập đoàn Vinamilk… mới thực sự là những doanh nghiệp đang sử dụng logistics trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm của mình. Còn những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển, kho bãi, vận tải bằng đường biển/hàng không/đường bộ chỉ là một dịch vụ trong chuỗi dịch vụ tạo nên một logistics phục vụ cho một mục đích nào đó.

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Chung đã viện dẫn một câu trong cuốn “Logistics – những vấn đề cơ bản” như sau: “Ở Việt Nam hiện nay, khi nói đến logistics, người ta quá chú tâm vào cấp độ 2 – tức là khâu vận chuyển và lưu trữ, mà chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề cực kỳ quan trọng là nguồn tài nguyên được lấy từ đâu và đưa đi đâu. Chính quan niệm sai lầm này đã làm người ta lầm tưởng logistics chỉ là những hoạt động trong ngành giao nhận, vận tải và đã diễn nôm logistics là kho và vận”.

Do đó, theo ông Chung, tên công ty của Tasa Duyên Hải đã không dùng chữ “logistics” như nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Duyên Hải cùng 7 công ty thành viên đã tạo ra chuỗi dịch vụ để phục vụ việc xuất nhập khẩu. Và giữa năm ngoái, Tasa Duyên Hải đã đầu tư xây dựng Đại lý độc quyền ô tô Faw Liễu Châu tại Việt Nam. Để gây dựng đại lý này, Tasa Duyên Hải đã vận dụng kiến thức về logistics để tạo ra một chuỗi dịch vụ khép kín từ việc nhập khẩu xe đến việc phân phối xe đến người tiêu dùng và dịch vụ bảo hành cho xe.

Nói về dịch vụ bảo hành, Đại lý độc quyền ô tô Faw cam kết đem đến cho khách hàng các chính sách bảo hành sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Cụ thể, trong thời gian bảo hành 2 năm hoặc tương đương với quãng đường 200.000 km, nếu phương tiện của khách hàng gặp phải tai nạn, sự cố mà nguyên nhân lỗi xuất phát được xác định là từ nhà sản xuất, thì khách hàng sẽ được giảm 30% giá sản phẩm đã mua. Các hư hỏng trong thời gian bảo hành sẽ được sửa chữa, thay thế miễn phí bằng vật tư, phụ tùng chính hãng tại các trạm bảo hành đạt tiêu chuẩn hoạt động 24/24h tại Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh…

Liên quan chính sách ưu đãi trong chuỗi dịch vụ bán hàng, Đại lý độc quyền ô tô Faw đã kết hợp với các đơn vị ngân hàng, bảo hiểm để cung cấp cho khách hàng nhiều chương trình, như mua trả góp, trả chậm, thuê mua tài chính, vay vốn ngân hàng, hỗ trợ phí bảo hiểm xe…

Thu Lê(baodautu.vn)