Chiều qua (10-8), Sở Công thương TP.HCM đã họp báo giới thiệu nội dung Quyết định 64 của UBND TP.HCM về quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm. Quyết định này đã có hiệu lực từ ngày 10-8.
Xong quy hoạch mới cấp phép mới
Theo quyết định, hoạt động kinh doanh bán lẻ nông sản, thực phẩm được thực hiện theo quy hoạch của UBND quận, huyện. Các mặt hàng thịt, cá, thủy sản (tươi hoặc đông lạnh) và rau củ quả chỉ được kinh doanh trong phạm vi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng văn minh tiện lợi.
Báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh về những lấn cấn trong Quyết định 64. Đầu tiên là băn khoăn về “số phận” của các điểm bán lẻ thịt, cá, rau củ quả đang hoạt động hiện nay.
Tại buổi họp báo, ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định: “Các điểm kinh doanh đã được cấp phép, hoạt động đúng pháp luật thì vẫn có thể tiếp tục kinh doanh bình thường”.
Báo Pháp Luật TP.HCM cũng đặt câu hỏi rằng nếu doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đáp ứng đủ các quy định hiện hành (về vệ sinh an toàn thực phẩm, không lấn chiếm lòng lề đường…) thì liệu có được cấp phép mới kinh doanh nông sản, thực phẩm hay không, hay phải chờ quận, huyện xây dựng quy hoạch xong mới được cấp phép. Nếu chờ thì chờ đến khi nào?
Trả lời vấn đề trên, ông Việt cho biết: “Nếu chưa quy hoạch xong thì quận, huyện sẽ trả lời là chờ quy hoạch thôi”. Như vậy, những cá nhân tổ chức muốn xin cấp phép mới thì đành phải chờ quận, huyện quy hoạch xong.
Tuy nhiên, Quyết định 64 không đặt thời hạn buộc các quận, huyện phải hoàn thành quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm ở quận, huyện mình. Ông Việt cũng cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể sau!
“Văn minh tiện lợi”: Còn tùy quận, huyện
Về việc các cửa hàng phải “văn minh tiện lợi” mới được kinh doanh thịt, cá, rau củ quả, trong khi đó Quyết định 64 không nói rõ “văn minh tiện lợi” là như thế nào. Các văn bản hiện hành cũng không đề cập đến điều kiện của “cửa hàng văn minh tiện lợi”. Sở Công thương vẫn chưa giải thích được khái niệm này cùng các điều kiện đi kèm.
Ông Trương Trung Việt nhận định: “Đây là quy hoạch mang tính định hướng lâu dài của TP.HCM nhằm thực hiện văn minh đô thị, trước hết là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, giữ trật tự an toàn giao thông. Quận trung tâm có điều kiện khác với huyện ngoại thành, vì vậy mà các quận, huyện tùy tình hình thực tế mà xây dựng quy hoạch cho phù hợp”.

Bà Võ Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết quận còn khá lúng túng về cửa hàng văn minh tiện lợi. Do đó, quận sẽ tiếp tục kiến nghị TP làm rõ thêm các tiêu chí để quận căn cứ vào đó thực hiện quy hoạch.

Các điểm kinh doanh đã được cấp phép, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục kinh doanh bình thường. Ảnh: HTD
Ông Võ Khắc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận 3:
Sớm lắm cũng phải một, hai tháng nữa
Quận vừa giao cho Phòng Kinh tế nghiên cứu và chuẩn bị kế hoạch để tổ chức thực hiện quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm theo Quyết định 64. Ít nhất cũng phải một, hai tháng nữa mới triển khai chứ không thể thực hiện ngay được.
Hiện nay tại quận 3 cũng đã có các cửa hàng bán lẻ của Sài Gòn Co.op, Vissan… Quận sẽ nhân rộng các cửa hàng này căn cứ trên các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế.
Đối với các cửa hàng nhỏ lẻ bán hàng thực phẩm trong các khu dân cư mà không phù hợp với Quyết định 64, quận sẽ vận động họ chuyển đổi ngành nghề hoặc vào các chợ để buôn bán. Riêng những trường hợp bán dạo lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì đã bị cấm bấy lâu nay.
Đánh đố người dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đánh giá: “Quy định “cửa hàng văn minh tiện lợi” của Quyết định 64 là tù mù, đánh đố người dân và có thể tạo ra sự tùy tiện của cơ quan quản lý”.


QUỲNH NHƯ – THU HẰNG

Video đang được xem nhiều