Trên mạng xã hội facebook, suốt mấy ngày nay, bức ảnh người thợ đào giếng đầu tóc, mình mẩy lấm lem bùn đất trong cuộc giải cứu cháu bé Tú Anh 7 tuổi ở Bình Dương bị rơi xuống khe đường ống giếng khoan sâu 80m đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Nhiều người nói rằng, đó là bức chân dung đẹp nhất về con người, khiến họ cảm động đến rơi nước mắt. Sau 10 tiếng hoảng loạn, cháu bé 7 tuổi đã được đưa lên khỏi đường ống, những người đầu tiên ôm cháu trong tay vẫn là những người thợ đào giếng lấm lem đất bùn.

Hạnh phúc đến tột độ. Bởi chỉ bằng đôi bàn tay, kinh nghiệm đấu trí với đất xốp, bùn đỏ của những người thợ đào giếng và sự góp sức của đội cứu hộ chuyên nghiệp, Tú Anh đã được trở về với mẹ, như là bé được sinh ra thêm một lần nữa.


Bức ảnh đẹp về anh Trần Nguyên Phương- một người thợ đào giếng đã cứu được bé Tú Anh. Ảnh: Báo Vnexpres 

Những người thợ đào giếng ấy, có người cũng đã làm cha làm mẹ, họ cũng đau thắt lòng khi nghe tiếng bé gái khóc vang lên từ dưới lòng đất sâu.

Anh Trần Nguyên Phương -1 trong 5 người thợ đào giếng đã hết lòng cứu bé Tú Anh kể lại, trong suốt cuộc đời anh, chưa có cuộc đào giếng nào như cuộc này, mỗi phút trôi qua dài như cả tháng. Khi chạm vào được tay cháu bé, anh đã òa khóc, như thể cứu được con mình.  

Trên trang mạng xã hội facebook, nhà báo Trần Đăng Tuấn tỏ ra tiếc nuối về mặt nghề nghiệp, anh viết: “Chúng ta không có mặt với máy quay. Bao nhiêu kênh truyền hình mà không một kênh đưa hình ảnh trực tiếp…thì thật đáng buồn.

Một hãng truyền hình hàng đầu ở nước ngoài từng truyền trực tiếp cuộc giải cứu một con mèo. Đừng nói chỉ vì họ nhiều tiền. Không có gì thật hơn và khiến người xem xúc động hơn cuộc chiến vì sinh mạng con người. Đó không phải là vì câu khách. Đó là vì cuộc sống”.

Đúng vậy. Với tư cách một đồng nghiệp của anh Trần Đăng Tuấn, tôi cũng cảm thấy vô cùng tiếc nuối vì cuộc chiến đấu suốt 10 tiếng đồng hồ của những người thợ đào giếng để giành lại mạng sống của bé Tú Anh đã không được truyền hình trực tiếp trên bất cứ một kênh nào.

Chúng tôi, những nhà báo đã bỏ qua một cơ hội bằng vàng để kể cho bạn đọc một câu chuyện đẹp tuyệt vời về tình người và lòng tốt. Giá như có một kênh truyền hình đến hiện trường, để truyền đi trực tiếp công cuộc nỗ lực cứu một sinh mạng bé nhỏ của hàng trăm con người. Câu chuyện ấy sẽ có sức mạnh hơn triệu triệu lời ca ngợi sáo rỗng.

Tại sao con người trong xã hội hiện đại lại càng ngày trở nên vô cảm và có thiên hướng thích thú khi quan sát cái ác? Tại sao những bài báo về những vụ đâm chém, thảm sát lại đông người đọc hơn những bài viết ngợi ca lòng tốt, lẽ phải và tình thương?

Có lẽ tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm trong hiện trạng này. Chúng ta nói quá ít về cái thiện, cái đẹp. Chúng ta ngượng ngùng khi làm một việc tốt. Ngại ngùng khi nói với nhau một lời tử tế, dễ nghe.

Điều đáng sợ hơn cả là ở những tầng lớp tạm gọi là trí thức, có vai vế trong xã hội, điều quan tâm của họ đến cái tốt, điều thiện đang ngày một ít dần đi. Chưa kể một bộ phận trong số đó, tối ngày chỉ “ủ mưu”, nghĩ đến việc làm thế nào để giàu có hơn nữa, quyền uy hơn nữa. Và vì tiền tài, địa vị, họ không ngừng đạp nhau xuống bùn để mình bước cao hơn.

Còn những người thợ đào giếng đã cứu bé Tú Anh ấy, những người lao động chân tay ráo mồ hôi là đói ấy, họ không có gì ngoài tấm lòng lương thiện. Nghe tin có bé bị lọt xuống khe giếng, họ đã đến, lao động miệt mài, họ đã đau lòng và khóc vì mừng rỡ, với 1 đứa bé chẳng phải máu mủ ruột rà.

Thật may mắn vì trong xã hội vẫn còn nhiều người tốt bình dị như thế. Những người mà nhìn vào cách sống của họ, chúng ta thấy mình như được soi vào một tấm gương trong, một dòng suối sạch.

Hãy để cho những việc tốt và thấm đẫm tình người đó được nở hoa, được lan rộng, được phủ khắp đời sống này. Những quán cơm 2.000 đồng, những bình trà đá miễn phí, những nồi cháo ấm lòng người bệnh nghèo.

Đến bao giờ hình ảnh của những người tốt bình dị như những “người hùng đào giếng” lan rộng trong đời sống này, che lấp đi hình ảnh của những quan chức cả đời chỉ biết dối trá, gian tham, đục khoét và vô cảm trước số phận con người.
Chừng đó chúng ta mới có cái để gọi là “hạnh phúc”.

Theo Mi An/Đất Việt