Chưa xô được

Trong khi đó, người Thái bán gói canh chua có 2 con tôm, 1 tép sả, ít nước dừa… khắp thế giới. Còn dân Nhật bán cơm cuộn, đồ tái hải sản trong những siêu thị lấp lánh, kiếm bộn tiền mỗi năm.

Nhiều phóng viên báo đài quan tâm đến cuộc thi “Chiếc Thìa Vàng”
Có dịp đi nhiều, ông Lý Ngọc Minh cho rằng, tô canh chua cá lóc hoặc cá bông lau của ta “ăn đứt” canh Thái, canh rong biển (Nhật), xét cả về hương vị và mức độ bổ dưỡng. Nhưng chúng ta không bán tốt bằng họ, chưa giao hàng số lượng nhiều qua Pháp, Mỹ… được. Vì sao? – Trình bày không bắt mắt bằng họ. Cũng chưa tiện lợi.
Ví dụ, cuốn cơm cuộn của Nhật ngon nhờ hài hòa hương vị của cơm cùng ít: rong biển, trứng, rau củ. Còn mâm thịt heo luộc, kẹp rau rừng, cuốn bánh tráng phơi sương Trảng Bàng của ta có trên chục loại rau. Có thứ chát ngắt: đọt sộp, đọt bằng lăng…, nhóm lại chua lè: lá bứa, đọt cóc… Gặp người không hiểu rõ, cuốn đơn độc một nhóm sẽ… ớn cảm ngay. Hay như món cá lóc nướng trui chấm mắm nêm, nhìn hấp dẫn thật. Nhưng nhiều người còn ngại bốc, sợ mắc xương, nhất là phái đẹp.

Quan trọng hơn hết là, họ biết “xô” thế mạnh của món ăn. Ví dụ: Người Nhật luôn trầm trồ khen món canh bột đậu nành, rong biển rất tốt cho sức khỏe. Thời nay, món ăn không chỉ ngon còn phải lành. Sức khỏe luôn quí hơn vàng mà!

Thiếu giai thoại

Ông Lý Ngọc Minh: Món ngon, trước tiên phải lành.
Trầm trọng hơn, ta thiếu những giai thoại hút hồn, khiến người nghe mới 2/3 câu chuyện đã đòi chạy đi ăn thử món đó cho bằng được. Nghệ thuật này, Trung Quốc làm rất giỏi. Du khách đến vùng Vân Nam, sẽ nghe rỉ tai: chưa ăn bún qua cầu coi như chưa tới Vân Nam! Đó chỉ là tô bún gạo bình thường thôi. Nghe kể, xưa có người vợ đảm đang nuôi chồng ăn học. Sợ chồng đói bụng, bà ta chú tâm nấu tô bún thiệt ngon với những nguyên liệu sẵn có trong nhà – sau vườn, mang đến cho chồng. Ngặt nỗi, nhà thầy đồ cách xa tới 2 – 3km. Sợ nguội, bà lớp mỡ lên – để giữ nóng và mang nhanh đến cho phu quân lót dạ. Đến nơi, bỏ lớp mỡ đi, tô bún vẫn còn nóng.
Chợt nghĩ đến món cơm hến Huế. Nghe đồn, xưa không ít vua chúa rất mê. Vậy phải khai thác kiểu nào để bán chạy vù vù?

Đại sứ hàng Việt ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Hy vọng có kỳ tích mới!

Đó là những gợi ý đầy thiện chí của nhà tài trợ chính cuộc thi “Chiếc Thìa Vàng”, lần 2, năm 2014, trong cuộc họp báo ngày 6.5.2014, tại Minh Sáng Plaza, Bình Dương. “Từ tháng 5.2014, hành trình tìm kiếm những món ăn ngon nhất, những đầu bếp tài hoa nhất, và những nhà hàng xuất sắc nhất trên khắp các vùng miền Việt Nam… chính thức khởi động.” Với mong mỏi, góp phần quảng bá, kết nối tinh hoa ẩm thực trong nước ra trường quốc tế và sức khỏe giống nòi từng bước được cải thiện.

Cuộc vẽ lớn: bản đồ ẩm thực Việt

Đồng thời, bà Vũ Kim Hạnh, thành viên Ban tổ chức còn nêu ra chủ đề: “Xây dựng bản đồ ẩm thực Việt”, qua cuộc thi này. Nét mới năm nay, sẽ tổ chức ngày Hội ẩm thực vùng miền, để sưu tầm những món ăn độc đáo, trước các vòng thi chính thức, xuyên suốt khắp cả nước. Dự kiến, ngày Hội đệ nhất khoái đầu tiên sẽ diễn ra tối ngày 20.5.2014, tại TP.cần Thơ. Ngay sáng hôm sau, vòng sơ tuyển khu vực đồng bằng sông Cửu Long 1, gồm các tỉnh thành: Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ – cũng diễn ra tại đây. Chung cuộc vào ngày 10.12.2014, tại Bình Dương.
 

Mong mỏi xây dựng bản đồ ẩm thực Việt!

“Gia tài ẩm thực chúng ta cực kỳ phong phú và không lẫn vào đâu được. Ví dụ, con tôm ngoài Bắc thường cõng muối (nổ hoặc rang muối hột). Tôm miền Trung thì tắm muối. Còn miền Nam, tôm thường uống nước dừa”, bà Hạnh nhận định. “Với lại, mỗi người chúng ta, ai cũng có một quê hương, một món quen để thương để nhớ! Cùng cộng lại, tôi tin sẽ nên bản đồ ẩm thực Việt, lồng trong bản đồ địa lý. Nhằm có thêm sản phẩm hay cho ngành du lịch và thúc đẩy nông sản nước nhà đi xa hơn.”
Ông Lý Huy Sáng, giám đốc dự án Ly’s Horeca cho biết, tổng trị giá giải thưởng năm nay tăng lên đến hơn 3 tỷ đồng. Các thí sinh được bao ăn ở, hỗ trợ chi phí đi lại.
Đạo diễn Đoàn Khoa: Phải tập họp nên một tập thể chuyên nghiệp.

Với các thí sinh, giám khảo Triệu Thị Chơi góp ý: phải sáng tạo không ngừng! Nếu không, sẽ bị chìm khuất giữa vô số đầu bếp khác giỏi hơn.

Bếp trưởng Trần Ngọc Nghĩa, nhà hàng Tiệc cưới Tiến Lộc, ở Đồng Nai, từng thắng giải món ăn độc đáo năm rồi chia sẻ: những ngày đó, tôi luôn suy nghĩ phải nấu món gì cho thật ấn tượng, đến độ nằm mơ cũng thấy mình đang đi chợ tìm nguyên liệu. Ngoài ra, nhờ thường đi du lịch bụi, đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn, gia tăng kiến thức cho nghề mình đeo đuổi. Nghề này, học hoài vẫn không đủ!

5 tiêu chí lớn của cuộc thi “Chiếc Thìa  Vàng”:

1 Tìm kiếm món ăn dân dã & truyền thống mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của từng vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam với thông điệp: “Mỗi món ăn quảng bá văn hóa cho một vùng miền”.

2 Tìm kiếm đầu bếp tài nghệ có sự sáng tạo, tinh tế & nghệ thuật trong phong cách trình bày để nâng món ăn ngang tầm với quốc tế.

3 Món ăn phải nâng cao giá trị sẵn có của ẩm thực Việt “không chỉ ngon mà còn  lành”.

4 Tôn vinh những đầu bếp tài nghệ &nhà hàng có công đóng góp, phát triển làm giàu nền văn hóa ẩm thực Việt.

5 “Chiếc Thìa Vàng” hướng đến mục đích nâng cao sức khỏe con người, thúc đẩy kinh tế thông qua nền công nghiệp ẩm thực đồng thời đẩy mạnh phong trào “Du lịch ẩm thực” ở Việt Nam.