TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trong ngày 10/11 số ca tiêu chảy cấp do các địa phương báo cáo về vẫn tiếp tục tăng. Đã có thêm 100 ca mắc mới, trong đó riêng Hà Tây phát hiện thêm 31 trường hợp, trở thành địa phương có số người mắc mới cao nhất.
Hôm qua 10/11, ở TP HCM cũng đã ghi nhận ca tiêu chảy cấp đầu tiên.
Bệnh nhân là bà Văn Thị Vê, 56 tuổi. Theo gia đình bệnh nhân, vào lúc 8 giờ ngày 9/11, sau khi vào TP HCM trên chuyến tàu Bắc Nam, bà Vê ăn trưa với món đặc sản chả lụa Nam Định đem theo từ quê vào và món thịt bò xào cải thìa.
3 giờ sau đó xuất hiện tiêu chảy cấp kèm theo nôn mửa.
Sau hơn 10 giờ cấp cứu, đến trưa qua bệnh nhân đã ngưng tiêu chảy, sức khỏe dần ổn định.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng Phòng Nghiệp vụ y sở Y tế TP HCM cho biết, cho rằng đây là trường hợp do bệnh nhân đến từ vùng dịch bệnh nên có thể mang vi trùng gây bệnh.
Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp và tả không có chiều hướng giảm ở các địa phương, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế của các tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn sự lây lan dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Theo đó, các địa phương phải có biện pháp giám sát các cửa khẩu, bến xe, bến tàu nhằm phát hiện sớm các ca tiêu chảy. Tuy nhiên, việc đặt bàn giám sát ở các địa điểm này chủ yếu để người bệnh chủ động tìm đến khi có nhu cầu được giúp đỡ, chứ không mấy hiệu quả trong việc giám sát nguồn lây và ngăn mầm bệnh lan ra các tỉnh.
Cũng trong sáng 10/11, Ban Chỉ đạo Vệ sinh An toàn Thực phẩm TP Hà Nội đã tiến hành thanh kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm tại một số tuyến phố và chợ trên địa bàn.
Qua kiểm tra phố Mai Hắc Đế, chợ Hôm – Đức Viên, chợ Mơ, chợ Trương Định, đoàn phát hiện nhiều cửa hàng, ki ốt kinh doanh thực phẩm vẫn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Rất nhiều hàng không có phương tiện bảo quản thực phẩm, để bụi, ruồi muỗi bám vào. Đây là nguy cơ lớn làm ô nhiễm thực phẩm, tạo điều kiện cho các vi sinh vật, vi khuẩn có hại phát triển.
TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định Hà Nội sẽ làm triệt để trong việc quản lý thức ăn đường phố: Tuyệt đối cấm bán hàng rong; Kiên quyết đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện, kể cả những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn vi phạm.

Nếu ở các chợ, tuyến phố vẫn còn những cơ sở vi phạm chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.


Theo Tiền Phong

Video đang được xem nhiều